Bài “Gậy ông đập lưng ông của mô hình Uber” của Les Echos nhận định: cách đây hai năm, sự xuất hiện của mạng Uber tại Pháp, với ưu thế giá rẻ, có mặt nhanh chóng, phục vụ tận tình, nhờ sự tham gia của các tài xế độc lập, đăng ký tham gia tự do, khiến loại hình tắc-xi truyền thống bị coi như thuộc về quá khứ.
Thế nhưng giờ đây, chính xe hơi của các tài xế Uber lại trở thành đối tượng bị chỉ trích, với giá quá cao, tài xế thì thô tục, xe hơi bẩn thỉu… Cuối tháng 9, London quyết định rút giấy phép hoạt động của mạng Uber, với lý do không bảo đảm an ninh cho khách hàng.
Bài “Uber bị kẹt vào chiếc bẫy của chính mình” trên Le Monde, nói rõ hơn là, sau khi bị London đình chỉ, chính Uber đã phải đứng ra tự phê bình. Le Monde nhấn mạnh là với việc lên án thẳng vấn đề an ninh của khách hàng không được bảo đảm, London đã nhằm đúng vào cốt lõi làm nên sức mạnh của mô hình Uber. Đó là sử dụng hàng nghìn tài xế rất ít được đào tạo, làm việc nay được mai chăng, trong lúc họ thường phải chấp nhận “những giờ giấc nguy hiểm” để kiếm được đồng tiền.
Tờ báo đặt câu hỏi: “Trong những điều kiện như vậy, làm sao có thể bảo đảm chắc chắn là người tài xế có được các ứng xử tốt?”.
Le Monde nhấn mạnh đến một bài học đã bị quên lãng của nền công nghiệp thế giới, đó là trong suốt thế kỷ XIX, một hệ thống làm công ăn lương ổn định đã được lập nên để đáp ứng các đòi hỏi về an toàn và tính chất kỹ thuật gia tăng của lao động. Một mạng lưới nối kết bằng công nghệ số, dù tinh vi như thế nào, cũng khó có thể làm nên những tài xế có trách nhiệm.