LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Hồ Thị Lương công tác tại ngân hàng Bắc Á chi nhánh Đông Anh gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
—————————–
Anh chị em Ngân quỹ chúng tôi thường nói vui với nhau rằng: nghề của chúng ta là nghề nguy hiểm, là nghề hoang tưởng.
Khoa học đã chứng minh rằng, trong một ngày mỗi người chúng ta sẽ có 15 giây không thuộc về mình, 15 giây “ngớ ngẩn” thần thánh. Và nếu nó tới thăm ta vào những lúc không mời nhất thì đó mới thật sự là điều thần thánh.
Những người làm quỹ như chúng tôi thường có câu truyền miệng nhau rằng “không phải tiền của mình nhưng lại là tiền của mình”. không phải tiền của mình thì lẽ đương nhiên rồi, nhưng nó sẽ là của mình khi mà kiểm tiền thiếu hay chi nhầm, chi thừa cho khách hàng thì sẽ là lúc nó là của mình. Là tự bỏ tiền túi ra mà đền tiền. Và tôi biết chắc rằng, chưa có ai từng làm quỹ mà chưa từng phải bỏ tiền túi ra để đền tiền cho 15 giây thần thánh đó cả.
Đó là chưa kể còn có những chuyện dở khóc dở cười thật mà như đùa. Có lần, khách hàng rút 50.000 USD, chúng tôi qua tay tận ba người chi ra, rõ ràng miệng ai cũng khẳng định là khách rút 50.000 USD. Đến khi đưa tiền cho khách, khách mới bảo “em ơi, chị rút 50.000 USD mà chứ không phải là 50 triệu VND đâu em”. Đến lúc đó, tất cả chúng tôi mới ngớ người ra như sực tỉnh. Thế mới nói, làm quỹ chẳng ai nói hay hơn ai được cả, dù là người cẩn trọng, nhiều năm kinh nghiệm hay là người mới vào nghề thì tất cả đều có thể mắc những lỗi cơ bản như nhau. Mà người ngoài nhìn vào thì vẫn là một câu hỏi là không hiểu tại sao lại có thể nhầm lẫn như thế được. Nhưng sự thật mà nói thì, trên đời này không có ai lúc nào cũng có thể hoàn toàn tỉnh táo, không ai không làm sai. Khác chăng là các ngành nghề khác, bộ phận khác, sai trên giấy tờ còn có thể điều chỉnh, sửa lỗi còn với những người làm quỹ, tiền đã ra khỏi quầy thì tất cả đều là sai. Và nếu may mắn, gặp được khách hàng có tâm thì còn được trả lại, còn nếu không việc phải bỏ tiền túi ra mà đền thì không ai chưa từng không phải chấp nhận.
Làm nghề lâu lâu sẽ bị hoang tưởng một đôi lần, đến nỗi, có lúc đã chốt quỹ cân hết rồi, đã khóa kho. Khẳng định chắc chắn là cân tiền hết rồi, tự khẳng định một lần nữa với mình là đã khóa két, khóa kho hết rồi nhưng tự nhiên luẩn quẩn trong lòng rồi vừa đi đường tự nhiên lại nghĩ tới bút toán nào đó, lại tự lẩm nhẩm không biết là có đúng mình đã chi đúng chưa? Không biết mình đã khóa két trước khi về chưa. Thế là lại ngược đường trở lại cơ quan phải tự mình kiểm tra lại một lần nữa mới cảm thấy yên tâm.
Và có lẽ cũng chỉ có những người làm quỹ như chúng tôi mới thực sự vô cảm với tiền. Khi mà hàng ngày tiếp xúc với những tiền với tiền, nó cũng chỉ là món hàng hóa như những thùng hàng bim bim hay mỳ tôm. Chỉ khác là giá trị nó lớn hơn và nó là hàng đặc biêt. Vậy thôi!
Và cũng đã có lúc chúng tôi chán tiền thật sự. Đó là những ngày cận tết, lúc nào lượng tiền mặt đổ về cũng rất nhiều, đến nỗi có những lúc đã hết giờ hạ cửa rồi mà khách hàng vẫn cố gắng vào bằng được để gửi tiền. Nhìn những bao tải tiền xếp chồng lên nhau cứ như không có điểm dừng, nghĩ đến câu “tiền đè chết người” quả thực không phải là một câu ẩn dụ nữa. Mà đâu có phải cứ nhận tiền của khách là xong đâu, đó chỉ mới là bắt đầu cho giai đoạn chọn lọc, phân loại tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, rồi lại kiểm đếm, đóng bó rồi mới được nôp về Ngân hàng Nhà nước.
Xem thêm tất cả các bài viết dự thi
NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG
tại đây
Nhưng đó vẫn chưa là gì, đến nay tôi vẫn thấy ấm ức nhất là đợt mấy năm trước khi nền kinh tế khủng hoảng, khách hàng luôn mang nỗi nghi ngờ về tính thanh khoản của các ngân hàng. Một lần, khách hàng là một doanh nghiệp yêu cầu rút 26 tỷ tiền mặt và chỉ nhận tiền mặt, mặc dù chúng tôi đã cố đàm phán cho khách hàng chuyển khoản nhưng khách hàng nhất định không chấp nhận phương án đó. Cuối cùng, khách chỉ nhìn vào 26 tỷ tiền mặt rồi cười bảo, chị chỉ thử khả năng thanh khoản bên em thôi chứ chị không rút đâu, em cho chị gửi lại. Nói thật, lúc đó, chúng tôi buồn hơn là vui khi giữ được 26 tỷ. Tôi vẫn còn nhớ, quản lý của tôi lúc đó đã cho ra đi cái cốc nước yêu quý mà hàng ngày anh vẫn thường dùng.
Người ta thường nói rằng, tiền thì bạc, tiền thì tệ. Nhưng là người trực tiếp hàng ngày sống trong tiền chứng kiến không biết bao câu chuyện liên quan tới tiền tôi hoàn toàn phản bác lại lập luận đó. Tiền cùng như con người chúng ta thôi, mỗi đồng tiền đều có câu chuyện của riêng mình. Là chiếc áo sờn vai của mẹ, gom góp từng đồng gửi lên thành phố cho con học mỗi tháng, là đồng tiền lương hưu của cụ già gom góp mỗi tháng một ít để lo hậu sự sau này cho chính mình mà không phiền các con, là đồng tiền sau phi vụ làm ăn thắng lớn, là đồng tiền nghẹn ngào khi có đôi vợ chồng ly hôn chia tài sản….tiền không hề tệ một chút nào, nếu có chăng chỉ là con người chúng ta đã sử dụng sai cách, để rồi đổ oan cho nó mà thôi.
Làm công việc trực tiếp liên quan tới tiền mặt, tôi nhận thấy rằng đây chính là nơi thử thách ranh giới mong manh của lòng tham. Theo nguyên tắc thì đối với tất cả các món tiền khi nộp vào ngân hàng, thiếu thì khách hàng bù vào và thừa thì trả lại cho khách. Nhưng mà có rất nhiều khách, hoàn toàn tin tưởng vào mình, mang tiền đến xong lúc nào cũng chỉ một câu, em cứ đếm cho chị thiếu thì chị bù vào và quả thực là thế. Nhưng cũng có lúc món tiền của khách thừa ra, một giây đấu tranh rất nhanh thôi đôi khi nó chỉ là khoảnh khắc, nếu mình không báo thừa thì khách cũng đâu biết. cái khoảnh khắc đấu tranh của lý trí đó khi vượt qua được, lúc đó mới thực sự thấy chiến thắng chính mình.
Bất cứ công việc nào cũng sẽ có khó khăn, bất cứ nơi làm việc nào cũng sẽ ít nhiều khiến chúng ta không hài lòng. Nhưng tôi tin rằng, dù làm công việc nào, ở vị trí nào khi bạn hết lòng vì công việc thì nó sẽ không bao giờ phản bội bạn.