Đất nền Nam Đà Nẵng (KỲ II): “Ôm không được, bán chẳng xong”

Anh N.V.T – một người dân sống tại Đà Nẵng chua xót chia sẻ, cách đây hơn 10 năm, gia đình anh có mua một mảnh đất thuộc dự án của một công ty rao bán tại khu vực Nam Đà Nẵng.

“Khi đóng tiền đặt cọc, chúng tôi nhận được hợp đồng góp vốn trong đó có vẽ sơ đồ thửa đất, thời gian bàn giao đất, bàn giao sổ đỏ nhưng đến nay đã hơn 10 năm, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng cam kết. Thậm chí chúng tôi còn không biết mảnh đất mà mình mua nằm tại vị trí nào dù đã đóng hơn nửa số tiền từ cách đây 10 năm”.

Có lẽ trường hợp của anh N.V.T không phải là trường hợp cá biệt bởi theo lời của giám đốc đầu tư một doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) thì hiện nay tại khu vực Điện Nam, Điện Ngọc – ven sông Cổ Cò có trên dưới 85 dự án bất động sản trong khi số lượng các dự án hoàn chỉnh về pháp lý thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, người mua nhà nếu không tìm hiểu kỹ về dự án thì rất dễ “rước vạ vào thân”.

“Nhiều dự án dù mới có chủ trương đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính cho nhà nước nhưng nhiều chủ đầu tư và sàn giao dịch vẫn “cầm đèn chạy trước ô tô”, mở bán rồi tính tiếp. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn tranh nhau lấy dự án trong khi không đủ năng lực tài chính để thực hiện nên bị thu hồi dự án” – vị này chia sẻ.

Trao đổi với DĐDN, một đơn vị nghiên cứu thị trường trên địa bàn Đà Nẵng tiết lộ, đến thời điểm này, thị trường đất nền ở Nam Đà Nẵng vẫn đương đầu với nhiều khó khăn mặc dù thị trường vẫn có giao dịch. Tuy nhiên, các giao dịch vẫn hết sức khiêm tốn.

“Ở góc khuất, nhiều nhà đầu tư đất nền tại Nam Đà Nẵng đang chào bán đất nền với giá lỗ để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Đây là yếu tố tác động lớn đến mặt bằng giá chung của thị trường đất nền hiện nay tại Đà Nẵng” – đơn vị nghiên cứu thị trường này cho biết.

Gặp một đại gia kinh doanh đất nền tại Đà Nẵng, anh thở dài: “Ngày nào ngân hàng cũng réo đòi nợ. Có ai cần mua đất nền chú cứ bảo, anh chi 5% cho môi giới khi giao dịch thành công. Nếu bán được 5-10 lô tiền hoa hồng tăng lên 10%” – anh cho biết.

Với tình trạng “tranh tối, tranh sáng” như vừa nói ở trên, ông Đỗ Minh Dương – chuyên gia bất động sản tại Đà Nẵng cho rằng để tránh “sập bẫy”, người mua cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những công ty bất động sản uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra trong quá trình đầu tư. Bởi theo ông trong vài năm trở lại đây, không ít dự án nằm tại khu vực này bị UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, yếu về năng lực tài chính.

“Trong số đó có thể kể đến hàng loạt các trường hợp như dự án khu đô thị số 6 của Công ty TNHH Chí Thành, Dự án Khu dân cư Điện Nam Trung tại xã Điện Nam Trung (huyện Điện Bàn) thuộc khu Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc…” – ông Dương dẫn chứng.

Bà Trần Thị Cẩm Tú – Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ BĐS Eximrs từng ví von: “Đầu tư đất nền hiện tại như quả bóng lửa, người này đẩy qua, người kia đẩy lại, ai thoát được sẽ khỏi bỏng tay. Nhưng đối tượng bị bỏng phần lớn là người mua thiếu kinh nghiệm và ít vốn”.

Các chuyên gia nhận định rằng thị trường bất động sản năm nay vẫn phát triển ổn định 10 – 15% nhưng người mua phải thận trọng, vì giá đã tăng 3 năm liên tục. Hiện giá bất động sản đã bằng hoặc hơn năm 2007, thời đỉnh của đỉnh thị trường.

“Giá đất tăng mạnh liên tục 3 năm là phải cảnh giác, nhất là những người muốn mua để dành. Với những người ít tiền thì việc đầu tư vào đất nền là rủi ro, vì giới hạn tăng không còn nhiều và bong bóng có thể vỡ bất cứ lúc nào” – một chuyên gia cho biết.

Bài viết mới