Số liệu World Bank cho biết chi tiêu cho y tế chiếm một phần lớn trong chi ngân sách của Việt Nam, ở mức 9,5% năm 2012. Mức chi này cũng tăng cao đáng kể so với tốc độ tăng chi bình quân trong giai đoạn qua, đạt 12,2%.
Chi tiêu theo lĩnh vực (%), nguồn: Bộ Tài chính
Nếu tính chung về tổng chi tiêu cho lĩnh vực này tại Việt Nam, mức chi là cao hơn hẳn so với các nước ở châu Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và chỉ thấp hơn Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam cao hơn so với hầu hết các quốc gia ở châu Á, nguồn: Chỉ số phát triển thế giới (2010)
Tuy nhiên, World Bank, qua đánh giá lại cho rằng dù Việt Nam có tỷ lệ chi tiêu y tế so với GDP cao hơn nhiều nước trong khu vực nhưng kết quả lại chưa được tối ưu.
Giải thích cho nghịch lý trên, World Bank đưa ra các nguyên nhân. Thứ nhất, các cơ chế chi trả cho cơ sở dịch vụ tại Việt Nam chưa tạo được động lực phù hợp. Thứ hai là sự phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ tập trung ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh thay vì chăm sóc y tế ở tuyến cơ sở. Thứ ba là mức chi tiêu quá cao cho dược phẩm.
Theo ghi nhận, chi tiêu cho dược phẩm chiếm 43% tổng chi cho y tế hoặc 2,7% GDP (số liệu năm 2010) cao hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực, và hơn nhiều so với mức bình quân các nước OECD (chỉ 16% tổng chi cho y tế hoặc 2% GDP).
Tỷ lệ chi tiêu cho dược phẩm tương đối cao so với các quốc gia so sánh và mức bình quân của OECD, nguồn: OECD (2014)
Bên cạnh đó, theo World Bank, các phương thức phi tập trung dẫn tới tình trạng chênh lệch giá giữa các địa phương. Chẳng hạn dữ liệu yêu cầu thanh toán từ BHXH năm 2010 cho thấy giá mua sắm cùng loại thuộc chênh nhau đến 5 làn giữa các bệnh viện công lập.
Để nâng hiệu suất chi tiêu trong ngành y tế, World Bank nhấn mạnh vào việc giảm chi phí thuốc với người dân bằng cách hình thành và triển khai một cách thận trọng cơ chế mua sắm tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá dược phẩm.
Dẫn ra ví dụ về Đông Âu, World Bank cho biết đã có trường hợp giảm tới 30% tổng kinh phí mua thuốc.
Về dịch vụ y tế, Việt Nam cần cân nhắc tăng cường năng lực cho BHXH hoặc một tổ chức khác trong việc giám sát và đánh giá động lập về chi phí hiệu quả trong việc sử dụng y tế.
Theo World Bank, cả hai biện pháp trên có thể giúp nâng cao hiệu quả chi tiêu trong ngành y tế thông qua thống nhất và giảm giá mua dược phẩm giữa các địa phương và các cơ sở y tế, đồng thời kiểm soát tốt hơn chi tiêu tại bệnh viện.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng và y tế ở tuyến cơ sở, nghiên cứu để giảm dần phương thức thanh toán theo phí dịch vụ đơn lẻ, chuyển sang các phương thức chi trả khác.