Phát biểu trong Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III tại Bộ TT&TT mới đây, ông Hoàng Sơn cho rằng, băng tần 1800 MHz mà các doanh nghiệp đang triển khai 4G hiện nay không đủ để nhà mạng cung cấp 4G chất lượng tốt. Vì vậy, ông Hoàng Sơn kiến nghị nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần 2.6 GHz và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng. Ông Sơn nhấn mạnh, nhu cầu có thêm băng tần của nhà mạng rất bức thiết, trong khi đó băng tần 2.6 GHz đang bỏ không sẽ gây lãng phí. Sau khi Bộ TT&TT tiến hành đấu giá, nhà mạng sẽ trả lại băng tần này cho Bộ.
Đây là lần thứ 3 Viettel chính thức kiến nghị Bộ TT&TT về việc sớm tổ chức đấu giá băng tần 4G hoặc cho doanh nghiệp được mượn băng tần 2.6 GHz để cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng. Ông Hoàng Sơn cho biết, Viettel đang tập trung dịch chuyển thuê bao 3G chuyển sang 4G và đã có gần 7 triệu thuê bao 4G. Vì vậy, nhu cầu băng tần để đảm bảo cung cấp dịch vụ cho khách hàng rất bức thiết.
Bình luận liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, theo số liệu của Viettel thông báo con số 6,9 triệu thuê bao 4G không phải quá lớn, nhưng đây là tín hiệu đáng mừng. Cục Tần số đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Bộ TT&TT theo hướng tích cực, đó là tiếp tục đấu giá tần số 2.6 GHz cho các doanh nghiệp viễn thông và đang chờ chỉ đạo của Bộ.
“Sau buổi họp giao ban quản lý nhà nước tháng trước, lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông có nói rằng không phải họ muốn lùi cấp phép băng tần 2.6 GHz mà là sẽ có nhu cầu sử dụng băng tần này vào năm 2019”, ông Đoàn Quang Hoan nói.
Trao đổi với ICTnews mới đây, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch VNPT cũng cho rằng, việc đấu giá băng tần 2.6 GHz thì Bộ TT&TT vẫn thực hiện như kế hoạch, nhưng về nhu cầu sử dụng thì VNPT xác định sẽ đưa vào khai thác từ năm 2019 vì thời điểm này mới xuất hiện nhu cầu.
Trước đó, Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, băng tần 1800 MHz đã cấp cho 4 nhà mạng thì không đủ để cung cấp dịch vụ 4G có chất lượng đúng tiêu chuẩn. Việc cung cấp dịch vụ 4G đúng nghĩa 4G sẽ chỉ được thực hiện khi cấp phép cho nhà mạng băng tần 2.6 GHz. Tuy nhiên, đấu giá băng tần 2.6 GHz gặp khó khăn bởi phải tuân thủ theo Luật Đấu giá mới nên phải tạm dừng. Bộ TT&TT đang kiến nghị với Thủ tướng về những khó khăn này.
Trước kiến nghị của Viettel, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo phải sớm trình để xin ý kiến Thủ tướng về việc đấu giá băng tần 2.6 GHz.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, trong lần đấu giá này không chỉ có 5 mạng di động hiện nay mới có quyền tham gia đấu giá mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông cũng có thể tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G. Như vậy, ngoài Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile thì hàng loạt doanh nghiệp khác như FPT, CMC… cũng có thể tham gia đấu giá băng tần 4G. Việc Bộ TT&TT đấu giá băng tần 2.6 GHz nhằm minh bạch hóa chính sách về quản lý tần số đối với dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và kinh tế trong sử dụng tần số vô tuyến điện.