Giới công nghệ đã khá quen thuộc với so sánh thú vị rằng: Bill Gates có Steve Ballmer, Steve Jobs có Tim Cook, Mark Zuckerberg có Sheryl Sandberg… Còn tại Alibaba, Jack Ma có Joe Tsai.
Joe Tsai (Thái Sùng Tín) sinh năm 1964 trong một gia đình luật sư nổi tiếng tại Đài Loan (Trung Quốc). Tsai tới Mỹ năm 1977 và theo học tại trường trung học Lawrenceville dành riêng cho con em giới thượng lưu, tham gia câu lạc bộ bóng vợt (phiên bản mùa hè của hockey), rồi đến Yale học luật và dễ dàng kiếm một công việc tại công ty tư vấn luật nổi tiếng Sullivan & Cromwell. Hiện giờ, ông là Phó Chủ tịch một tập đoàn toàn cầu đồng thời là công ty thương mại điện tử lớn nhất hành tinh. Những chặng đường đời của Joseph Tsai khiến người ta không khỏi ngưỡng mộ. Nhưng giữa những chặng đường ấy là những gì, đó mới là điều khiến người ta tò mò.
Joe Tsai gia nhập Alibaba của Jack Ma vào năm 1999 sau khi bỏ công việc tại Invest AB với mức lương hàng nghìn đô để làm việc cật lực với mức lương 50 USD/tuần khi Alibaba mới chỉ là một startup nhỏ nhoi khởi nghiệp tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ngày nay, đế chế này đã vươt eBay, PayPal và sánh ngang tầm với Amazon, và là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Jack Ma – một thầy giáo tiếng Anh hiểu biết, khiêm tốn, hài hước và rất có tầm nhìn – không nghi ngờ gì, chính là kiến trúc sư trưởng và nguồn cảm hứng cho sự phát triển thần kỳ của tập đoàn này. Nhưng Alibaba sẽ không được như ngày hôm nay nếu thiếu Joseph Tsai, một con người tinh tế, một luật sư được đào tạo bài bản tại Mỹ, một nhà kinh doanh tài chính có tư chất của cả phương Đông và phương Tây và một khối óc nhanh nhạy với lợi nhuận. Nhờ có Tsai, Alibaba không còn chỉ là một công ty Trung Quốc.
“Anh ấy rất cá tính. Khá khiêm tốn. Rất có sức hút. Rất thông minh. Rất quyết đoán,” một đối tác người Mỹ từng đàm phán với Tsai nhớ lại. Sự hợp tác đó đúng là một gia tài”.
Câu nói này đúng về cả nghĩa đen. Ông là người phụ trách gần như tất cả các cuộc đàm phán huy động vốn trong thời kỳ đầu và chịu trách nhiệm nhiều thương vụ sáp nhập quan trọng của Alibaba. Ông đã là Giám đốc tài chính của tập đoàn này trong suốt 10 năm trước khi trở thành Phó Chủ tịch vào 2013.
Với dáng vẻ lịch lãm, mái tóc gọn gàng bóng mượt, áo vest đen khoác ngoài và hiếm khi đeo cà vạt, ông luôn xuất hiện trong vẻ nghiêm túc, bên cạnh gương mặt luôn hồ hởi, thân thiện và hài hước, đã trở thành đại diện cho Alibaba của Jack Ma. Và dường như Tsai thích để mọi người hiểu như vậy. Tuy nhiên, trên thực tế, ông là người dễ gần và rất nhiệt tình.
Trong ngày IPO lịch sử của Alibaba vào năm 2013, ông đã nói: “Trong suốt hơn 14 năm qua, Alibaba đã hoạt động với tôn chỉ: giúp đỡ những công ty nhỏ kinh doanh thành công, theo đúng như tuyên ngôn sứ mệnh của chúng tôi: giúp việc kinh doanh ở mọi nơi trên thế giới trở nên dễ dàng hơn. Chính sứ mệnh rõ ràng, tầm nhìn lâu dài và những cam kết bền vững với các giá trị đã định nghĩa được một “văn hóa Alibaba” và cũng chính là những điều giúp chúng tôi thành công. Cấu trúc quản trị của chúng tôi hoạt động theo một cách sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề mà cổ đông quan tâm trong khi vẫn duy trì được những giá trị chúng tôi theo đuổi – những điều mà chúng tôi không thể, và sẽ không bao giờ thay đổi”.
Tsai chính là người chịu trách nhiệm xây dựng văn phòng tại Mỹ và đã thực hiện một loạt các thỏa thuận đầu tư, trong đó phải kể đến khoản đầu tư 216 triệu USD vào ShopRunner, một đối thủ của Amazon vào tháng 10/2013 và 215 triệu USD vào Tango, một startup sở hữu ứng dụng nhắn tin với 200 triệu người dùng vào tháng 3/2014.
Ông nói: “chúng tôi [Alibaba] cần phải ra khỏi “tòa tháp ngà” của ngành thương mại điện tử. Chúng tôi cần tổng hợp hơn, đa năng hơn… Trong thế giới di động, ranh giới giữa thương mại điện tử, giao tiếp và mạng xã hội đang trở nên nhòa mờ.”
Và dường như, Alibaba ngày nay đã làm được như vậy.