Nghề ngân hàng: Một nửa miếng bánh còn lại

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Đăng Nguyên công tác tại VIBgửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quangdo Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

——————-

Thời sinh viên, nghề ngân hàng và hàng không được coi là những nghề được ưa thích. Tôi đến với nghề rất tình cờ khi được một người bạn giới thiệu, mặc dù không làm ở vị trí kinh doanh, nhưng mẹ tôi vẫn dặn trước khi làm “Cẩn thận đồng tiền”. Với bà, những gì liên quan đến tiền đều đi kèm rủi ro.

Sau rất nhiều giai đoạn biến động của kinh tế, cuộc chơi ngành ngân hàng nay đã khác, đằng sau những nụ cười, đồng phục đẹp, văn phòng tại khu vực trung tâm… là sự vất vả tìm kiếm khách hàng, làm hồ sơ trình duyệt, là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mỗi tháng/quý/năm lại cao hơn, là sự e ngại của việc tái cấu trúc, sự chuyển biến/ sự kiện xấu trong ngành…

Thời gian gần đây, khi vào dịp cuối năm, người trong nghề thay vì hỏi được thưởng bao nhiêu tháng lương, lại quay ra hỏi kế hoạch năm tới như thế nào.

Một lúc nào đó, đi qua những con đường được mệnh danh là phố Wall Việt Nam, phố tài chính tại Hà Nội, TP.HCM, sẽ dễ dàng nhận thấy, những tòa cao ốc vẫn sáng đèn vào giờ sum họp gia đình.

Xem thêm tất cả các bài viết dự thi

NGHỀ TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG: THỬ THÁCH VÀ VINH QUANG

tại đây

Ngay lúc này, có rất nhiều đồng nghiệp cùng ngành của tôi đang phải đứng trước tòa giải trình cho những quyết định sai dù vô ý hay hữu ý mắc phải. Họ nói rằng: Môi trường kinh doanh cạnh tranh phải làm thế, sếp chỉ đạo như vậy, ngân hàng nào cũng làm vậy…hoặc mù mờ hơn “không biết làm vậy là sai” dù ở vị trí cấp trung hay cấp cao.

Khi nói về nghề, một người bạn của tôi cho rằng “Có thấy ai làm ngân hàng nghèo đâu. Nên vất vả hay “như nào” cũng đáng thôi”.

Có đáng không, mỗi người sẽ có câu trả lời, hành động và hệ quả khác nhau. Nhưng hình ảnh “cổ cồn trắng” đứng trước vành móng ngựa sẽ vẫn còn tiếp diễn, và những người tiếp theo vẫn đang mải trôi theo dòng “chắc nó chừa mình ra”.

Tôi hỏi người quen của tôi hiện đang nằm trong ban lãnh đạo của một ngân hàng cổ phần có lo không khi nhiều lãnh đạo ngân hàng đang vướng vào vòng lao lý, họ nói “sinh nghề tử nghiệp, lúc nào cũng phải cẩn trọng, còn lại thì…hên xui”.

Ông cũng chia sẻ “đã từng phải bỏ một vị trí lãnh đạo cấp cao tại một ngân hàng cổ phần với mức lương và chế độ hấp dẫn, khi thấy quá nhiều chỉ đạo và quy trình “miệng”. May mà quyết định lùi lúc đó, chứ không chắc bây giờ mình cũng được xuất hiện trên báo rồi”.

Còn nhớ, cuối tháng 8 năm 2012, sự kiện bầu Kiên bị bắt đã gây xôn xao không chỉ trong dư luận mà còn trong hệ thống các ngân hàng. Cảnh hàng dài ô tô, xe máy đến xếp hàng dài trên đường Nguyễn Thị Minh Khai để rút tiền, cảnh đưa tiền cửa sau rút tiền cửa trước lúc đó ắt hẳn nhiều người chưa thể quên. Cũng cuối năm 2014, chủ tịch HĐQT Oceanbank bị bắt đã khiến thanh khoản của ngân hàng rơi vào trạng thái rất căng, một người quen của tôi là khách hàng bên đó chia sẻ rất khó rút được tiền tiết kiệm, muốn rút phải báo trước mấy ngày.

Thắc mắc hỏi “Các ngân hàng khác có lo không”. Có chứ, thế giới phẳng với cái nghề kinh doanh “niềm tin”, bất kì thông tin xấu nào đều tác động ngay đến thị trường dù ít hay nhiều. Ở góc độ nào đó, nghề nào cũng có rủi ro và nghề ngân hàng cũng không ngoại lệ.

Thay lời kết, đa phần quan niệm của nhiều người bạn tôi nghề ngân hàng là việc nhẹ lương cao, ổn định, văn phòng đẹp, thu nhập toàn chục chai trăm chai trở lên. Nhưng mấy ai biết rằng sau đó là áp lực về chỉ tiêu, về khách hàng, về sếp, overtime, về đủ thứ… mà chỉ người trong cuộc mới biết. Nghề ngân hàng cũng chỉ như bao nghề khác, có thăng tức có trầm, và mọi quyết định và hành động của bạn sẽ đưa bạn đến “thì tương lai” mà bạn đi.

Hỏi tôi có yêu nghề không. Dĩ nhiên là có, chỉ là đôi khi vẫn thấy lo âu.

Thông báo thay đổi thời gian đăng bài và trao giải cuộc Thi viết “Nghề Tài chính ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”

Bài viết mới