Đầu tháng 8 vừa qua mạng xã hội truyền tay nhau câu chuyện trái tầm bóp, thứ quả dại gắn với tuổi thơ cảu bao thế hệ người Việt, với nhiều sự ngạc nhiên. Bởi thứ quả ấy vốn là quả dại nhưng ở xứ sở hoa anh đào, người ta bán với giá 700.000 đồng/kg, ở Đức là 300.000 đồng – 700.000 đồng/kg.
Và chúng tôi đã nhìn thấy thứ cây dại này tại một cuộc thi về khởi nghiệp tại TP HCM cuối tháng 9 này. Chủ dự án là bạn Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, cựu sinh viên Nông Lâm. Nga cùng cộng sự đang trong quá trình thực hiện dự án trồng cây tầm bóp để bán cho các cửa hàng rau quả, các công ty hương liệu, xuất khẩu trái cây.
Hỏi ra mới biết, Nga cùng bạn bè đã bắt tay vào dự án được hơn 1 năm nay, tức là trước khi người cây tầm bóp trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người.
Nga vốn là sinh viên của Đại học Nông Lâm. Vốn trăn trở với giấc mơ khởi nghiệp trong nông nghiệp, cô tìm hiểu rất nhiều loại rau quả, trái cây tại Việt Nam. Qua nghiên cứu và tìm hiểu thông tin về thị trường trong và người nước, cô gái Lâm Đồng thấy trái tầm bóp có tiềm năng lớn trong ngành thực phẩm và dược phẩm. Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra lợi ích đặc biệt tốt cho sức khỏe của trái tầm bóp.
Đặc biệt, trên thế giới, người ta bán rất nhiều sản phẩm từ tầm bóp như tinh dầu, bột, trái tươi… với giá trên trời, cô và cộng sự đã quyết định đồng hành cùng với tầm bóp. Cộng sự của cô là 2 kỹ sư nông nghiệp, cùng có tầm nhìn giống cô.
Dự án của cô gái Lâm Đồng hiện đang thực hiện ở giai đoạn thứ 2 trong 4 giai đoạn mà cô trình bày với ban giám khảo. Cô cùng cộng sự đang ươm 500 cây tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Theo tính toán của nhóm, khi trồng thương mại trên diện tích khoảng 1 hecta, tức đến tháng 4/2019, nhóm sẽ bán ra khoảng 1.200 kg/tháng. Giá bán sỉ ước tính là 150.000 đồng/kg và bán lẻ là 250.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, mỗi năm dự án sẽ có doanh thu khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí 1 tỷ đồng ra, lợi nhuận sẽ là khoảng 1 tỷ đồng.
Nga và những trái tầm bóp mới thu hoạch. Ảnh: BSA
“Tôi đang tiếp xúc với các công ty như Maka, Gold Frog, Nhật Tân và có những phản hồi tích cực. Mục tiêu của chúng tôi là bán hàng tại các cửa hàng rau sạch và các siêu thị như Satrafood, Coopmart…”, Nga chia sẻ về câu chuyện phân phối.
Nói về khó khăn của dự án, cô gái Lâm Đồng cho biết khi trồng theo hướng canh tác sạch, nói không với thuốc bảo vệ thực vật, nhóm của cô đã đưa ra các phương án phòng ngừa sâu bệnh bằng cách dụ sâu bệnh và treo bẫy dẫn dụ. Cô cũng đang kêu gọi vốn đầu tư vào dự án này.
Nga cho rằng nhiều người có ý tưởng kinh doanh từ tầm bóp nhưng theo hiểu biết của cô thì cô chưa thấy ai “làm tới”. Phía Bắc có Hoa Ban Food đã bán trái tầm bóp nhưng họ chỉ đi thu mua loại quả dại, chưa đầu tư vào trồng.
Chỉ là cây dại, bán 250.000 đồng/kg tầm bóp, liệu có “khó tiêu thụ” tại Việt Nam?
Câu hỏi đặt ra là liệu với giá bán lẻ 250.000 đồng/kg tầm bóp tươi, so với một số loại trái cây nhập khẩu thì giá không cạnh tranh lắm. Và là một cây dại, với giá 250.000 đồng/kg, liệu thị trường có chấp nhận?
Nga phản hồi lại câu hỏi của ban giám khảo rằng cô đã khảo sát ý kiến của vài chục người sau khi thu hoạch số lượng giới hạn tầm bóp. Có người nói đắt, có người nói giá như vậy là ổn. Còn các công ty mà cô đang tiếp cận để bán sản phẩm thì họ cho biết đang tìm kiếm loại nguyên liệu này. Họ nói ở Việt Nam, chưa có ai trồng cây này nhưng trên thế giới đã trồng nhiều. Họ nói sẽ tiếp nhận sản phẩm nhưng chưa nói kỹ về giá.
Ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty Lan Hảo, doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Thorakao, cho rằng nhóm của Nga muốn kinh doanh thành công thì cần đánh mạnh vào phân tích hóa học. Quan trọng nhất trong cây tầm bóp là yếu tố chống lão hóa thì may ra giá 250.000 đồng/kg mới chấp nhận được.