Tại buổi làm việc của đoàn công tác liên ngành kiểm tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp với Bộ TT&TT vào chiều ngày 29/9 vừa qua, một trong những vấn đề được các thành viên đoàn công tác liên ngành quan tâm, muốn làm rõ là phản ứng chính sách của Bộ TT&TT đối với những kiến nghị từ phía doanh nghiệp, cụ thể là trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền truyền hình trên mạng Internet.
Ông Hồ Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp), thành viên đoàn công tác liên ngành cho biết, cuối tháng 5/2017, Bộ Tư pháp đã có công văn 1799 gửi Bộ TT&TT về việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang “kêu cứu”, cho rằng truyền hình trả tiền đang “chết” vì nạn vi phạm bản quyền.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Bộ TT&TT, được Vụ trưởng Vụ Pháp chế Võ Thanh Lâm trình bày tại buổi làm việc, Bộ TT&TT đã chỉ rõ tồn tại, hạn chế, đó là tình trạng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động trong lĩnh vực TT&TT vi phạm các quy định của pháp luật ngày càng gia tăng, tinh vi, liên tục thay đổi hình thức, gây cản trở, khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật. Trong đó, một trong những vi phạm điển hình là vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
Cũng theo báo cáo của Bộ TT&TT, một trong những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do hành lang pháp lý trong một số lĩnh vực của ngành TT&TT còn cần hoàn thiện thêm, nhất là trong lĩnh vực mới, phát triển nanh như thông tin điện tử.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do số lượng các dịch vụ nội dung, ứng dụng trên mạng viễn thông và Internet phát triển nhanh, đồng thời với việc các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực CNTT, viễn thông sử dụng ngày càng nhiều các thiết bị kỹ thuật hiện đại, tinh vi.
Theo Bộ TT&TT, một vi phạm điển hình trong lĩnh vực TT&TT là vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu các các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trả lời trực diện vào vấn đề bảo vệ bản quyền truyền hình trên mạng Internet, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ TT&TT chia sẻ, trong thời gian vừa qua, vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng Internet rất bức xúc. Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã tổ chức nhiều cuộc làm việc trực tiếp với các tổ chức, doanh nghiệp bị vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet.
Theo ông Lê Quang Tự Do, trong lĩnh vực PTTH&TTĐT, có một thực tế đang đặt ra là rất nhiều cá nhân chọn khởi nghiệp bằng cách vi phạm bản quyền trên mạng Internet. Hiện nay, rất nhiều cán nhân, tổ chức ăn cắp các chương trình truyền hình, các bộ phim trên mạng, sau đó họ dùng phương thức lập trang web ở nước ngoài và cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, thu tiền người dùng trong nước.
Ông Do cho rằng, thực tế này đang đặt ra một vấn đề là những quy định hiện nay của chúng ta đang còn có “kẽ hở”. Minh chứng cho nhận định của mình, ông Do cho biết, Nghị định 72 năm 2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử, riêng mục quản lý thông tin công cộng xuyên biên giới lại không có. Tại Nghị định 72, Chính phủ giao cho Bộ TT&TT quy định chi tiết về cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới vào Thông tư.
“Nghị định 72 ra đời năm 2013 quy định như vậy rất ổn, không vấn đề gì. Tuy nhiên, đến năm 2016, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực, lại không cho phép quy định các điều kiện kinh doanh vào trong Thông tư. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn để quy định những vấn đề bảo vệ bản quyền trên môi trường mạng. Vì vậy, hiện nay chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ cho sửa đổi Nghị định 72 cũng như Nghị định 06 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình”, ông Do cho biết.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết thêm, vừa qua, Cục đã thực hiện sửa đổi Nghị định 72 và đang trình lên Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị ký ban hành. “Tuy nhiên, việc sửa đổi này được thực hiện theo quy trình rút gọn, chỉ đưa các điều kiện kinh doanh từ Thông tư đang có lên Nghị định. Còn thực tế sau 4 năm triển khai, Nghị định 72 “gốc” cũng đã có nhiều bất cập, một trong những bất cập chính là vấn đề về bảo vệ bản quyền trên mạng Internet. Do đó, chúng tôi đề xuất sửa một Nghị định tổng thể để thay thế Nghị định 72”, đại diện Cục PTTH&TTĐT đề xuất.
Một Nghị định nữa hiện cũng đang được Cục PTTH&TTĐT – Bộ TT&TT đề nghị sửa đổi là Nghị định 06 ban hành năm 2016 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Theo thông tin tại Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam năm 2017 mới được Bộ TT&TT phát hành, việc Nghị định 06 được ban hành đã tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ cho các dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Thị trường cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tính đến cuối năm 2016 đã đạt gần 13,2 triệu thuê bao, bao gồm gần 10,9 triệu thuê bao truyền hình cáp; hơn 1,3 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh; 521.137 thuê bao truyền hình số mặt đất; và 387.687 thuê bao truyền hình di động.
Tuy nhiên, đại diện Cục PTTH&TTĐT thuộc Bộ TT&TT cho biết, trong Nghị định 06 đã có quy định về truyền hình trả tiền, tuy nhiên Nghị định này cũng chưa có nội dung quy định đối với hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Vị đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng chia sẻ, hiện nay có những cách làm mới mà chúng ta cũng bất ngờ. Ví dụ như hiện có 1 doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến xuyên biên giới vào Việt Nam, không cần xin phép qua các bộ, ngành và họ thu tiền trực tiếp qua các tài khoản, các kênh thanh toán quốc tế. “Hiện nay, chúng tôi đang kết hợp với Ngân hàng nhà nước tìm ra giải pháp để đưa vào quy định trong nội dung sửa đổi Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và cung cấp dịch vụ truyền hình”, đại diện Cục PTTH&TTĐT nói.