Uỷ viên phụ trách về y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU), ông Vytenis Andriukaitis nói: “Đổ lỗi cho nhau là hành động không mang lại hiệu quả gì và cũng chẳng giúp ích được gì cho chúng ta trong việc ngăn chặn sự gia tăng của bê bối trứng bẩn.
Theo ông Vytenis Andriukaitis, ưu tiên hàng đầu của EU bây giờ là quản lý tình hình, thu thập thông tin, phân tích và rút ra các bài học cần thiết để cải thiện hệ thống quản lý về an toàn thực phẩm và ngăn chặn các hoạt động tội phạm. Hãng tin BBC ngày 11-8 thì cho hay, người dân ở các quốc gia thuộc EU đều rất hoang mang trước thông tin về trứng bẩn, còn chính phủ các nước thì đang ráo riết thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lan rộng của bê bối này cũng như tìm cách tiêu hủy các quả trứng “bẩn” bị phát hiện.
Hàng loạt cuộc điều tra, thanh tra được tiến hành trên khắp châu Âu vì bê bối trứng bẩn. Ảnh: Getty.
Nơi được cho là nguồn gốc của trứng bẩn là Hà Lan. Cụ thể, hồi đầu tháng 8, Cơ quan thực phẩm Hà Lan (NVWA) đã tiến hành các cuộc xét nghiệm và quyết định đóng cửa hơn 180 trang trại chăn nuôi gia cầm sau khi phát hiện chất hóa học Fipronil trong trứng gà. Fipronil vốn được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây nhưng lại bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho người. Tuy nhiên, một công ty Hà Lan có tên là Chickfriend đã đưa hóa chất này vào các trang trại gia cầm nhằm tiêu diệt bọ đỏ ký sinh trên gà.
Các báo cáo khoa học thì cho thấy, nếu dư lượng Fipronil trong thực phẩm cao, hóa chất này có thể gây bệnh về thận, gan và tuyến giáp ở người. Vì thế, sau khi đóng cửa các trang trại nói trên, NVWA cũng đã tiến hành điều tra và đưa ra các khuyến cáo khác nhau bởi nước này có hàng ngàn trang trại chăn nuôi gia cầm với công suất mỗi năm xuất xưởng khoảng hơn 10 tỷ quả trứng đi các nước trong EU.
Cho đến nay, bê bối trứng bẩn đã ảnh hưởng tới hơn 10 quốc gia châu Âu và buộc các cơ quan cảnh sát và tư pháp châu Âu là Europol và Eurojust vào cuộc. Hôm 10-8, hai đối tượng là người quản lý của công ty Chickfriend đã bị bắt giữ, hàng triệu quả trứng cũng được thu hồi. Riêng Đức, quốc gia láng giềng với Hà Lan (nơi có tới 3 triệu quả trứng bẩn được cho là đã nhập khẩu và được bán hết hồi tháng trước) đã đưa ra khuyến cáo với người tiêu dùng là nên kiểm tra trứng đã mua bằng cách đối chiếu với danh sách các công ty cung ứng trong diện nghi vấn được đăng tải trên mạng.
Trong khi đó, Cơ quan thực phẩm và thú y Đan Mạch cũng thông báo có tới 20 tấn trứng bẩn được bán tại thị trường nước này, trong đó có loại trứng đã được luộc chín và bóc vỏ sẵn do một công ty của Bỉ tên là Poultry-Vision cung cấp bán sỉ cho các quán cafe và các công ty thực phẩm. Rồi từ những phát hiện của Đan Mạch, Cơ quan an ninh thực phẩm của Bỉ (AFSCA) cũng đã khởi động một cuộc điều tra hình sự về bê bối này.
Thậm chí, 51 trang trại bị nghi ngờ liên quan đến bê bối này cũng đã bị đóng cửa, trong đó có 22 trang trại nuôi gà giống. Trong phiên điều trần tại Quốc hội hôm 9-8, Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme cho biết, AFSCA đã có được một tài liệu nội bộ của Hà Lan cho thấy, nhiều khả năng, Hà Lan nghi ngờ sự hiện diện của hóa chất Fipronil trong trứng gà từ tháng 11 năm ngoái. Nhiều quốc gia khác như Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển cũng đang khẩn trương truy xuất nguồn gốc của tất cả trứng được bán ở siêu thị.
Báo cáo mới nhất của Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Anh thì tiết lộ, khoảng 700.000 quả trứng bẩn đã được phân phối từ Hà Lan tới nước này. Bộ Nông nghiệp Pháp thì khẳng định, 13 lô trứng bị nghi là trứng bẩn đã được nhập khẩu từ Hà Lan vào nước này hồi tháng 7 và sau đó được chuyển cho các công ty chế biến thực phẩm ở phía Tây. Vì thế, Pháp quyết định thanh tra tất cả 80 nhà máy sản xuất liên quan đến thực phẩm hoặc trứng.
Chưa hết, Romania, Slovakia cũng đưa ra các thông báo tương tự. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, các quốc gia EU cần phải thận trọng hơn nữa trong việc kiểm tra các loại thực phẩm và các sản phẩm làm từ trứng.