Khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ được xây dựng 1960, là một trong những khu tập thể lâu đời nhất tại Hà Nội. Mọi góc tường, mọi cầu thang, mọi ô cửa ở đây đều nhuốm hơi thở cũ kỹ của thời gian.
Với nhiều người, những khu tập thể cũ có thể chỉ là một mảng miếng mờ nhạt trong diện mạo thủ đô khang trang. Nhưng với nhiều người còn lại, những khu tập thể cũ lại là một mảnh của tuổi thơ vẫn tồn tại đâu đấy giữa guồng quay nghẹt thở của cuộc sống hiện đại.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ tòa nhà B1 rêu phong, cũ kỹ
Trước đây, những khu tập thể cũ có nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường phổ thông, bách hóa… đáp ứng nhu cầu sống của cư dân. Giữa hai dãy nhà thường có khoảng sân rộng, nơi vui chơi của cả người già và trẻ con. Hình ảnh một thời tuổi thơ như chơi trượt ở cầu thang với lũ bạn hàng xóm, hay những buổi chiều đi học về khó nhọc dắt xe đạp từ tầng 1 đến tầng 5… còn mãi trong kí ức của những người sống ở khu tập thể cũ.
Những căn hộ chung cư này từng giải quyết chỗ ở ổn định cho rất nhiều các cán bộ công nhân viên chức. Căn hộ trong những tòa nhà tập thể này được xây dựng với diện tích khoảng 45-50m2, không có phòng ngủ, chỉ có một phòng hình chữ nhật.
Thời đó, đây là những căn hộ trong mơ của các đôi vợ chồng trẻ đang khó khăn về nhà ở. Nhưng theo thời gian, con cái họ lớn dần lên, diện tích nhỏ hẹp của những căn hộ bắt đầu không đủ chỗ cho một gia đình 4, 5, 6 người. Thậm chí, bên trong căn hộ cũ kỹ và chật chội, có những gia đình có đến 3 thế hệ ở cùng nhau. Nhiều cặp vợ chồng trẻ vẫn ở cùng bố mẹ bởi họ không có đủ điều kiện để mua nhà tách ra ở riêng.
Lối vào hành lang nước chảy lênh láng…
Hàng lang tối tăm, ẩm mốc…
Tận dụng hành lang làm nơi để xe máy
Những năm đầu thế kỷ 20, các căn hộ tập thể này không có nhà bếp, không nhà vệ sinh bởi đã có khu sinh hoạt tập thể chung. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sinh hoạt của người dân nâng cao, những căn hộ chung cư bắt đầu bị cơi nới thêm những chuồng cọp để có chỗ phơi quần áo, nấu ăn, thậm chí là cơi thêm để làm một phòng ngủ nhỏ. Không ít hộ dân còn tự ý xây chồng tầng lên để ở. Chính vì vậy, những khu chung cư này ngày một xuống cấp một cách trầm trọng.
Nhà nhà cơi nới để có thêm không gian sinh hoạt khiến khu tập thể trở lên nhếch nhác
Những chuồng cọp là nơi để phơi quần áo, nấu ăn
Mảng tường cũ kỹ bong tróc
Sân chơi trước kia một ngày bỗng trở thành… bãi để xe, quán nước khiến không gian lúc nào cũng chật chội, ùn tắc. Cầu thang đi lên các tầng của chung cư là chiếc cửa nhỏ, nước chảy lênh láng, bốc mùi hôi thối quanh năm. Những bức tường thì bong tróc, nứt nẻ; Dây điện mắc từ cầu thang cho tới các tầng và bao quanh các căn hộ chằng chịt như mạng nhện. Không chỉ vậy, những thùng nước bằng inox bám bên ngoài mỗi căn hộ san sát nhau, nếu chẳng may bị lở tường rơi xuống sẽ vô cùng nguy hiểm.
Dây điện mắc chằng chịt như mạng nhện
Khoảng sân vui chơi trước kia giờ thành bãi đỗ xe, hàng quán mọc lên
Những thùng nước bằng inox bám bên ngoài mỗi căn hộ san sát nhau
Ông T.B.T (cán bộ nghỉ hưu ở khu tập thể B2 Nguyễn Công Trứ) chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc vào những cư dân đầu tiên của khu tập thể Nguyễn Công Trứ này. Hồi mới dọn đến, ai cũng hồ hởi, thích lắm. Nhưng theo thời gian, gia đình tôi có thêm con cái, căn hộ 50m2 trở nên chật chội, bí bách. Tôi phải cơi nới thêm để có không gian sinh hoạt. Tôi biết như vậy là nguy hiểm, nhưng cũng không còn cách nào”.
Chỗ nấu ăn trong tình trạng tối tăm, ổm mốc
Đồ đạc xếp chồng chất lên nhau bởi diện tích quá hẹp
Cơi nới lên cao để tận dụng không gian sinh hoạt
Bên trong phòng ở chật chội, bí bách
“Diện tích nhà thì chật hẹp, bếp thì luôn trong tình trạng ẩm mốc, nhà tôi phải cơi nới thành chuồng cọp, chuồng chim lấy chỗ phơi quần áo, để đồ. Sống ở đây như ‘làm dâu trăm họ’, đi lại nói năng nhẹ nhàng. Có khi giường nhà mình kêu cót két bao nhiêu lần bên nhà hàng xóm cũng biết”, bà N.B.H kể về những bất tiện.
Xem link gốc tại đây