Jean-Claude Juncker ca ngợi sự phục hồi kinh tế của châu Âu, viễn cảnh gần như không thể tưởng tượng được vào giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ ở EU hồi năm 2010. Vào thời điểm đó, mối quan tâm hàng đầu là một số ít các quốc gia yêu cầu viện trợ – Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland – hay suýt phải yêu cầu giải cứu như Tây Ban Nha và Ý. Hiện tại tình hình của các quốc gia này như thế nào?
Bồ Đào Nha
Bỏ lại đằng sau ký ức đáng buồn của gói cứu trợ 78 tỷ Euro vào năm 2011, Bồ Đào Nha sắp đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Đối với chính phủ của thủ tướng António Costa, thành công kinh tế đã đến với quốc gia này sau khi bỏ được chính sách thắt lưng buộc bụng bị áp đặt bởi EU và IMF trong giai đoạn 2011 – 2014.
Lương và tiền trợ cấp khu vực quốc doanh đã được hồi phục như giai đoạn trước khủng hoảng, nhưng chính phủ khả năng cao sẽ phải đối mặt với bất đồng trong tương lai với EU, khi Brussels đang tìm cách để giảm nợ của Bồ Đào Nha.
Ireland
Bất chấp tình hình biến động của Brexit sắp xảy ra, Ngân hàng trung ương của Ireland vẫn tiếp tục dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế của quốc gia này, dù với tốc độ chậm hơn trước. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục bởi câu chuyện tăng trưởng này.
Cựu thủ tướng Enda Kenny đã bị bỏ phiếu rời khỏi văn phòng trong năm nay vì có ít cử tri cảm nhận được sự hồi phục của nền kinh tế. Mức tăng trưởng 26% của năm 2015 được ví là “nền kinh tế yêu tinh” để ám chỉ về việc tránh thuế cao của các công ty đa quốc gia bằng cách đặt trụ sở ở Ireland giống như cách các yêu tinh trong truyện cổ Ireland giấu vàng trong hũ vậy, và con số tăng trưởng đó chỉ là ảo.
Các công ty đa quốc gia lớn tìm cách bảo vệ lợi nhuận đã chuyển trụ sở và tài sản trí tuệ của họ đến Ireland, dẫn đến GDP tăng đột biến tại quốc gia này. Nhưng trên thực tế, hành động này không tạo ra sự thay đổi nào cho nền kinh tế thực (lợi nhuận, sự phát triển và tạo việc làm mới) của Ireland, do hoạt động sản xuất thực sự của họ vẫn được thực hiện ở nước ngoài.
Thêm vào đó, ngân khố của quốc gia này cũng phụ thuộc rất nhiều vào một số ít công ty lớn, khiến cho nền kinh tế ở một trạng thái dễ bị tổn thương.
Hy Lạp
Nếu nhìn qua, Hy Lạp có thể đang có những dấu hiệu hồi phục: các nhà máy mở rộng sản xuất, người dân đang tìm việc làm. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, đất nước này vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Nó đã làm cho nền kinh tế của Hy Lạp sụt giảm 25%. Hơn 1/5 người trưởng thành trong độ tuổi lao động và 45% người trẻ tuổi thất nghiệp.
Nợ nần chồng chất tạo gánh nặng lớn lên nền kinh tế, trong khi những nhà cho vay yêu cầu thặng dư ngân sách của Hy Lạp ở mức cao, điều được coi là không thực tế bởi nhiều nhà kinh tế học. Dù đã có những tia sáng phía cuối đường hầm, nhưng sự phục hồi thực sự của quốc gia này vẫn khó có thể xảy ra.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là một trong những điểm sáng nhất trong khu vực đồng Euro: vào tháng 7 năm 2017, nền kinh tế lớn thứ tư của EU quay trở lại với tốc độ tăng trưởng trước khủng hoảng. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh, dù ở mức vẫn còn cao là 17%. Thủ tướng Mariano Rajoy đã đưa ra những cải cách tạo điều kiện cho việc sa thải người lao động dễ dàng hơn. Một số chuyên gia cho rằng đó là biện pháp để kích thích việc thuê nhân công. Nhưng bất chấp những cải cách đó, Tây Ban Nha vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở châu Âu, chỉ xếp sau Hy Lạp. Tình trạng bất bình đẳng đã tăng lên và tiền lương vẫn chưa được cải thiện.
Italy
Nền kinh tế lớn thứ 3 EU đang hưởng lợi từ sự tăng trưởng trên khắp châu lục, nhưng những mối lo lắng vẫn chưa biến mất.
Ở Ý, tỷ lệ thất nghiệp đang giảm và các nhà máy đang tăng cường sản xuất, nhờ nhu cầu gia tăng. Trong khi đó, gói cứu trợ của ngân hàng lâu đời nhất của Italy và sự cứu nguy của 2 nhà cho vay đã giúp tăng cường sự tin tưởng.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang nợ nần chồng chất bởi nợ xấu: tổng số nợ xấu của Italy lên tới 174 tỷ Euro, theo Bloomberg. Một câu hỏi lớn hơn là liệu Italy, đối mặt với cuộc bầu cử vào năm 2018, có thể tạo ra sự đồng thuận về chính trị để thực hiện cải cách về các vấn đề đã gây nhức nhối trong thời gian dài như cải thiện năng suất, giảm nợ, và tăng quỹ cho các trường đại học, được hay không.