Tỷ phú Masayoshi Son gây dựng được tên tuổi thông qua việc thành lập nên đế chế công nghệ truyền thông lớn nhất Nhật Bản Softbank. Nổi tiếng với triết lý kinh doanh ‘liều ăn nhiều”, hiện tại Masayoshi đang tiếp tục lên kế hoạch mở rộng hoạt động sang lĩnh vực quản lý tài sản.
Trước đó vào tháng 2, Softbank đã đồng ý mua lại đơn vị quản lý tài sản Fortress Investment với giá 3,3 tỷ USD. Kể từ đó, các lãnh đạo Softbank đã tiếp tục thảo luận rất nhiều khoản đầu tư khác nhau trong lĩnh vực tài chính, từ mua lại những công ty đầu tư truyền thống tới những bước đi ngạc nhiên hơn như mua một lượng lớn cổ phần tại quỹ đầu tư tư nhân KKR.
Quy mô của kế hoạch này cho thấy Vision Fund không phải là chi nhánh duy nhất của Softbank tấn công vào mảng quản lý tài sản. Softbank – đơn vị không quản lý bất kỳ lượng tài sản nào trong 12 tháng vừa qua và từ trước tới nay cũng chưa từng quản lý được tài sản của đơn vị thứ 3 nào đang nhắm tới việc quản lý được khối tài sản lên tới 300 tỷ USD trên khắp các lĩnh vực trong vòng 4 – 5 năm tới.
Việc có thể thu hút được khối lượng tài sản nhiều hay ít hơn 300 tỷ USD của Softbank còn phụ thuộc vào cơ hội thị trường. Bên cạnh quỹ công nghệ, Sofbank còn mới tiếp nhận quản lý khối tài sản 40 tỷ USD của Fortress.
Những mục tiêu đang được nhắm tới
Có thể nói tham vọng quản lý khối tài sản 300 tỷ USD của Softbank khá “liều”. Nguyên nhân là bởi nếu so sánh với Blackstone Group có thể thấy, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới này đã phải mất tới 32 năm để phát triển lên khối tài sản quản lý trị giá 371,1 tỷ USD tính tới 30/6.
Hiện Softbank cũng đang cân nhắc hàng loạt mục tiêu. Nguồn tin của tờ Bloomberg cho biết, một nhóm những lãnh đạo cấp cao của công ty này đã thảo thuận về việc mua cổ phần của KKR trong năm nay nhưng chưa rõ kết quả ra sao.
Người phát ngôn của KKR – đơn vị có giá trị thị trường khoảng 16,4 tỷ USD từ chối bình luận về vấn đề này. Công ty đang nắm trong tay 148,5 tỷ USD vốn tư nhân, tài sản, bất động sản, quỹ đầu cơ tính tới 30/6 tăng 13% so với năm ngoái.
Ngành công nghiệp quản lý tài sản vốn thay đổi liên tục khiến những đơn vị nhỏ gặp khó khăn bởi áp lực về phí và sự chuyển đổi trong chiến lược.
Natixis SA và BNP Paribas là một trong những công ty đang tìm kiếm thỏa thuận với chi nhánh quản lý tài sản của Axa SA trong khi đó Standard Life cũng đã kết hợp với Aberdeen Assett Management để hình thành nên liên minh quản lý tiền tệ lớn nhất nước Anh.
Thương vụ mua Fortress của Softbank có thể nói là khởi đầu mới cho tập đoàn này – đơn vị trước đây chỉ tập trung vào những thỏa thuận trong lĩnh vực viễn thông, startup Internet và thương mại điện tử. Tuy nhiên, Son cùng đội ngũ quản lý cấp cao của ông đang nỗ lực mở rộng khả năng của Softbank nhắm tới quản lý những nguồn đầu tư thay thế cũng như quản lý danh mục đầu tư đang tăng trưởng chưa từng thấy của công ty.
Quỹ tập trung chủ yếu vào công nghệ Vision Fund được chống lưng bởi chính phủ Ả rập Saudi cũng như Apple và Qualcomm hiện đang là quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới.
Những thỏa thuận lớn liên quan tới Vision Fund gồm thương vụ mua lại ARM với giá 32 tỷ USD – nhà sản xuất chip mà Son tin rằng sẽ đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực Internet of Things và những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào Didi – dịch vụ gọi xe lớn nhất tại Trung Quốc cũng như Grab.
Softbank cũng đang chiêu mộ hàng loạt lãnh đạo ngân hàng tên tuổi có liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực tài chính. Colin Fan – nhà đầu tư chứng khoán và đồng chủ tịch Deutsche Bank đã gia nhập Softbank trong năm nay. Trong khi đó Rajeev Misra – cựu chủ tịch cấp cao của Deutsche Bank và UBS Group AG hiện là người đứng đầu mảng chiến lược của Softbank.