“Bom hẹn giờ” Catalonia

Tây Ban Nha đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị và hiến pháp vì cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập được lãnh đạo vùng Catalonia dự kiến tổ chức trong ngày 1-10. Là một khu vực giàu có với 7,5 triệu dân ở Đông Bắc Tây Ban Nha, Catalonia có mức độ tự trị cao nhưng không được hiến pháp Tây Ban Nha công nhận là quốc gia riêng biệt. Với thủ phủ là Barcelona, Catalonia chiếm 16% dân số Tây Ban Nha và đóng góp tới 1/5 trong nền kinh tế trị giá 1.100 tỉ euro của nước này.

Trong ngày 29-9, khoảng 10.000 người tham gia tuần hành ủng hộ cuộc trưng cầu tại quảng trường Tây Ban Nha ở Barcelona, nhiều người vẫy lá cờ ly khai “Esteleda”. Ngoài ra còn có hàng ngàn nông dân lái máy kéo đến làm rào chắn bảo vệ các điểm bỏ phiếu ở Barcelona và nhiều thị trấn khác trong vùng. Đáp lại, chính phủ trung ương triển khai thêm hàng ngàn cảnh sát đến Catalonia để ngăn cuộc bỏ phiếu “vi phạm hiến pháp”. Theo lệnh tòa án, cảnh sát đã tịch thu khoảng 10 triệu phiếu bầu và chuẩn bị “dọn dẹp” tất cả 2.315 điểm bỏ phiếu (hầu hết là trường học) trước 6 giờ sáng 1-10. Để đối phó, nhiều nhóm nhỏ các nhà hoạt động, bao gồm các phụ huynh và con cái, đã vào nhiều trường học ở Barcelona để bám trụ.

Tuy nhiên, cho dù bỏ phiếu diễn ra thì chưa chắc dân Catalonia đều đồng ý ly khai. Cách không xa cuộc tuần hành nêu trên, khoảng 2.000 người ở thị trấn L’Hospitalet de Llobregat tụ tập phản đối tách khỏi Tây Ban Nha với lá cờ “Senyera” chính thức của Catalonia trong tay. Ngay cả trong cuộc bầu cử khu vực năm 2015, dù liên minh các đảng ủng hộ độc lập giành chiến thắng song vẫn có tới 40% cử tri bỏ phiếu cho các đảng trung thành với Tây Ban Nha.

Nhận ra sự chia rẽ này trong số 5,3 triệu cử tri, nhiều lãnh đạo Catalonia – kể cả Thống đốc Carles Puigdemont – nói với AP rằng các quan chức cấp cao EU nên can thiệp để tìm giải pháp chính trị. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans hôm 29-9 nhấn mạnh “phải tôn trọng hiến pháp”. Trong khi Mỹ và hầu hết chính phủ EU ủng hộ Thủ tướng Mariano Rajoy giữ Tây Ban Nha thống nhất thì các nhà phân tích EU nhận định Nga có thể đã hỗ trợ Catalonia đòi độc lập.

Dù Điện Kremlin tuyên bố trưng cầu Catalonia là chuyện nội bộ của Tây Ban Nha nhưng giới chuyên gia dẫn chứng nhiều cơ quan truyền thông Nga thường đưa tin nghiêng về phe ly khai. “Không phải Nga muốn Catalonia độc lập mà điều chính yếu là muốn gây chia rẽ, từ đó dần dần làm suy yếu nền dân chủ và các thể chế của châu Âu” – chuyên gia Brett Schaffer của Liên minh Bảo vệ dân chủ (Đức), nhận định.

“Gặp” những kẻ hốt bạc sau vụ trưng cầu dân ý ở Anh

Bài viết mới