Có một Trung thu rực sáng thế này trong lòng mỗi người Hà Nội

Có người sẽ tự hỏi: “Trung thu ư? Có gì là lạ? Sắp đến chưa, và qua tự bao giờ?”. Ừ thì, với vài người vô tâm, Trung thu nhàn nhạt thế thôi. Nhưng đừng nghĩ rằng, mùa trăng tròn đã hoàn toàn bị quên lãng, bởi với không ít người con Hà Nội, ký ức ấy vẫn đẹp tròn vẹn trong trí nhớ đến tận bây giờ như thế này đây…

“Ngày chú nhỏ, Hà Nội tối lắm, chẳng có đèn đường. Chỉ đến Trung thu, sân khu tập thể lại có nhiều đèn ông sao, đèn kéo quân lấp lánh,lắm lúc trộm nghĩ thành phố này chỉ sáng nhất vào Trung thu thôi!”

Chậm rãi nhấp chút trà, chú Hoài (42 tuổi, Hà Nội) kể cho tôi nghe về những mùa trăng xưa cũ. Nếu chỉ trông tác phong nhanh nhẹn và nụ cười sảng khoái ấy, ít ai ngờ chú ngồi xe lăn. Trong tâm hồn người đàn ông từng gắn bó cả tuổi thơ với Hà Nội, Trung thu là kỷ niệm tuyệt đẹp.

Và theo nhịp kể của chú, ký ức cũng như một quãng phim, chợt ùa về trong mỗi chúng tôi…

Hà Nội thời ấy thiếu thốn nhưng Trung thu lại vui và ý nghĩa quá đỗi… Trước rằm cả tháng trời, trẻ con đã phơi khô hạt bưởi, xâu dây thép để đốt nổ lép bép vào dịp trăng tròn, và cùng nhau ăn bánh. Thời của chúng ta – những đứa trẻ đủ đầy, bánh Trung thu bớt quý. Nhưng thời bao cấp, bánh nướng, bánh dẻo là cả một trời mơ ước.

“Vị bánh truyền thống thơm lắm, vì nó gắn với kỷ niệm. Nghĩ về Trung thu bây giờ, đôi khi chạnh lòng, vì bao háo hức, chờ mong dường như cũng mai một ít nhiều. Đồ thủ công chẳng còn mấy và vị bánh đôi khi cũng khác xưa…”, chù Hoài ngậm ngùi.

Có lẽ cũng bởi luôn hoài niệm về mùa tết thiếu nhi xưa cũ, nên dù hối hả mấy với công việc, người đàn ông ấy vẫn chẳng bao giờ quên một mâm cỗ cho con, cho cả những người thợ trong xưởng thủ công theo phương pháp truyền thống mà mình làm chủ. Anh em ở xưởng chú Hoài đều là những người khiếm thính, thế nên xã hội có xoay vần ra sao, xu hướng thế nào, cũng chẳng ảnh hưởng quá nhiều đến họ. Bởi vậy, Trung Thu đối với những con người này dường như còn vẹn nguyên giá trị như thời còn xưa cũ.

Khi rằm tháng 8 cận kề, họ tự đi mua đồ ăn, đồ trang trí về, để cùng nhau phá cỗ. Còn chú Hoài lại tận tình hướng dẫn như một người thân thiết trong gia đình, làm sao để anh em có được một mâm cỗ đúng với Trung thu trong ký ức xa xưa nhất. Cái tình với nhau giản đơn mà nồng ấm là thế trong mùa lễ trăng tròn…

Trái với vẻ lặng lẽ khi ngồi nghỉ trên ghế đá bờ hồ, bà Lan (71 tuổi, Hàng Bè, HN) hào hứng thốt lên như thế khi được hỏi về Trung thu. Trong một phút, tôi thấy ánh mắt bà lấp lánh, với niềm vui thơ trẻ như thuở thiếu thời.

“Khi các bà còn bé, Trung thu đến là được đi cắm trại xa nhà 4 ngày liền, trông trăng và ăn bánh nữa, múa hát rất vui vẻ. Về nhà, mẹ phần cho một đĩa cốm xào, cốm mộc với lá gừng, rắc đỗ xanh. Và mong mẹ đi chợ về lắm, vì mẹ sẽ mua cho con tò he, chơi xong ăn luôn, giờ ăn thì có mà chết!”, bà vừa cười, vừa kể hết chuyện này tới chuyện khác.

Hồ hởi khi nhắc về Trung thu xưa bao nhiêu, bà ngậm ngùi vì cái lễ nhàn nhạt ngày nay bấy nhiêu, buồn từ cách người ta thình thình khua trống một tí cho xong, tới những miếng bánh chỉ trọng hình thức mà quên hương vị, nghĩa tình. Phú quý sinh lễ nghĩa, người ta vẫn biếu bánh, nhưng đôi khi chẳng còn ý nghĩa như xưa, bà buồn nữa vì điều ấy. Cái bánh Trung Thu cả năm được ăn một lần giờ chẳng còn quý được như ngày còn nghèo, còn thiếu.

Từ xưa, và tới tận bây giờ, bà vẫn giữ sở thích ăn bánh nướng thập cẩm truyền thống, và như một thói quen khó bỏ, chỉ ăn của Bánh Mứt Kẹo Hà Nội, hiệu bánh gắn với Hà Nội từ năm 64, vì “bánh vẫn giữ nguyên hương vị của ký ức, nên dù có phải xếp hàng tận phố Huế, vẫn phải mua bằng được!”.

Cũng giống như bà, ông Lâm (80 tuổi, Cao Thắng, HN) thoáng buồn khi được hỏi. Có lẽ, với những người đã đi gần hết cuộc đời, không phải tiền bạc, danh vọng, mà chính cái tình và những dịp sum vầy mới là đáng quý. Ông móm mém cười: “Có thời khó khăn, chẳng dám mơ đến bánh Trung thu! Khi hòa bình lập lại, được ăn miếng bánh nướng bánh dẻo, rước đèn, vui làm sao… Bây giờ, những vật cũ hầu như không còn, nhiều vị bánh mới lạ miệng, người già như ông, chẳng quen được.”.

Rời Bờ Hồ, tôi gặp Ngọc Ánh khi dừng bước trên phố Lương Văn Can. Ánh đang đi mua cốm và sắp rẽ vào Hàng Mã xem đồ chơi cho cháu. Trong mắt cô bạn gái sinh năm 1991 ấy, ký ức Trung thu mang một màu sắc khác. Hay đi biểu diễn dịp Trung thu, Ánh ít khi phá cỗ với gia đình, ký ức của cô thường ở những sân khấu thiếu nhi. Thế nhưng, với Ánh, kỷ niệm đẹp nhất về rằm tháng 8 gắn liền với người bà đã mất.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm bánh trên phố Hàng Bạc, Ánh được xem bà nội làm bánh nướng, bánh dẻo thủ công từng khâu, từ nhào bột, sên nhân tới đổ khuôn… từ nhỏ.

“Mình vẫn nhớ mãi nét mặt của bà khi làm bánh. Khi ấy, chắc bà vui lắm, mình cứ ngắm bà mãi, đến khi ngủ thiếp đi…”. Những hương chanh, hương mứt bí, đậu xanh đã quện vào nhau trong giấc mơ tuổi thơ của Ánh như thế. Sau khi bà mất, gia đình cô không ai nối nghiệp làm bánh truyền thống của bà, nghề gia truyền cũng dần mai một.

Nghĩ đến điều ấy, Ánh buồn buồn: “Cũng tiếc lắm, nhưng để giữ được nghề truyền thống giữa thời đại xoay vần chẳng dễ chút nào. Chính vì thế, mình luôn cảm thấy trân quý nỗ lực của những người, những thương hiệu làm bánh vẫn giữ gìn và tôn vinh được hương vị truyền thống sau bấy nhiêu năm!”. Và vị bánh xa xưa vẫn hằn sâu trong tiềm thức người con gái phố cổ: “Nhớ bánh bà làm lắm, nên năm nào mình cũng tìm về các thương hiệu như thế. Bánh hiện đại cũng ngon, nhưng mình tin rất nhiều người trẻ sẽ như mình, vẫn yêu vị truyền thống vì nó gắn với nhiều kỷ niệm sáng trong của tuổi thơ!”.

Hành trình tìm về kỷ niệm kết thúc với cuộc gặp gỡ hai cô gái trẻ: Ngọc Linh và Hà Linh, khi họ đang lang thang trong ngày cuối tuần đầy gió. Không hẹn mà gặp, họ đều “nặng lòng” với bánh đậu xanh trứng muối và có cái hồn nhiên đến lạ khi hồi tưởng về Trung thu thơ ấu. “Trung thu à, đấy là một bàn dài đầy bánh kẹo, là những cánh cửa mở toang, cho trẻ con ùa ra phá cỗ!”, Hà Linh nói như reo lên.

Không nhiều chiêm nghiệm như người lớn tuổi, họ có cái nhìn trong sáng, ít đượm nét buồn và lạc quan hơn khi nhắc đến ngày hội Trăng rằm tháng 8. “Trung thu có đẹp mãi hay không, là tùy thuộc vào mỗi người chúng ta đấy thôi. Như nhà mình, ai cũng bận rộn, nhưng cứ đến gần ngày rằm, thì như một thói quen, bố mẹ chuẩn bị bánh kẹo, các con tự giác lên Hàng Mã mua đèn, đồ chơi, và đưa các cháu đi làm đồ thủ công, làm tiến sĩ giấy ở Bảo tàng dân tộc học”, Ngọc Linh vui vẻ chia sẻ.

“Đơn giản có thế thôi, giữ ‘hồn cốt’ Trung thu chẳng khó lắm đâu (cười). Và bánh nữa, dù ăn miếng bánh hiện đại thế nào, rồi cũng nhớ quay về vị bánh nướng, bánh dẻo xa xưa. Phải ăn miếng bánh truyền thống, mới thấy Trung thu thực sự đang về. Mẹ mình bảo thế…!”.

Bài viết mới