Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng số lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý III năm nay ước tính 53,8 triệu người, bao gồm 21,7 triệu người đang làm việc ở khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 40,4% tổng số; ngành công nghiệp và xây dựng 13,8 triệu người, chiếm 25,7%; ngành dịch vụ 18,3 triệu người, chiếm 33,9%.
Cơ cấu lao động Việt Nam theo ngành. Đồ thị: Thanh Tâm
Số người thất nghiệp của quý III năm 2017 là 1,11 triệu người, giảm gần 10,9 nghìn người so với quý II năm 2017 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,02%, so với quý trước tỷ lệ này giảm nhẹ.
Theo Tổng cục Thống kê, với các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm 2017 đã tạo thêm được việc làm dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ.
Thất nghiệp của thanh niên từ 15 đến 24 tuổi chiếm 55,1% tổng số thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cả nước là 7,8%, tăng gần 0,2 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 12%.
Tổng cục Thống kê cho rằng nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thanh niên tăng là do số sinh viên đã tốt nghiệp ra trường tham gia vào lực lượng lao động và đi tìm kiếm việc làm trong quý III tăng. Thêm vào đó, một lượng lớn học sinh, sinh viên nghỉ hè có nhu cầu tìm kiếm việc làm phụ giúp gia đình cũng góp phần làm tỷ lệ thất nghiệp nhóm này tăng cao trong quý III.
Đáng chú ý, thu nhập bình quân hàng tháng trong quý III/2017 của lao động làm công ăn lương là 5,5 triệu đồng, tăng 159,8 nghìn đồng so với quý trước, tăng hơn 500 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân của sự chuyển biến này là do chính sách tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức vào đầu tháng 7 năm nay của Chính phủ.