Bangladesh – trường học nổi hoạt động bằng năng lượng mặt trời
Trên khắp thế giới, trường học đang “tái phát minh” giáo dục. Suốt mùa gió mùa ở Bangladesh, gần 1/3 quốc gia này bị lũ lụt, khiến cho việc đến trường là gần như không thể. Tổ chức phi lợi nhuận Shidhulai Swanirvar Sangstha đã nảy ra một cách để mang giáo dục đến với những học sinh bị ảnh hưởng nhiều nhất: tạo ra những ngôi trường nổi hoạt động bằng năng lượng mặt trời.
Mỗi buổi sáng, các ngôi trường tiểu học này di chuyển đến những cộng đồng khác nhau, đón học sinh dọc đường. Các chiếc thuyền này có thể chứa và dạy đến 30 học sinh. Những ngôi trường này có một laptop, hàng trăm quyển sách và các tài nguyên hoạt động bằng nguồn điện từ những tấm năng lượng mặt trời ngay trên nóc thuyền.
Anh – thực tế ảo (VR)
Công nghệ xóa mờ ranh giới giữa đời thực và thế giới kĩ thuật số đang có một khoảnh khắc lớn trong giáo dục ngay thời điểm này, khi đang tiến vào các lớp học trên khắp thế giới. Trong số những ngôi trường chấp nhận công nghệ này có Sevenoaks ở Anh.
Ở đây, VR được đưa vào các lớp học trong nhiều môn học như nghệ thuật, lịch sử và địa lý. Học sinh tại ngôi Sevenoaks đang sử dụng công nghệ này để đi thực địa (dĩ nhiên là ảo!), và tạo ra những bức tranh 3D có thể chuyển động được.
Bali – trường học xanh
Như Green School (Trường Xanh) ở Bali, Indonesia cho thấy, sáng tạo không phải lúc nào cũng gắn liền với công nghệ. Nằm giữ các khu rừng nhiệt đới và được làm hoàn toàn bằng tre, sứ mệnh của ngôi trường này là giáo dục các học trò về sự bền vững bằng cách sử dụng một cách tiếp cận tổng thể. Học sinh, từ lứa tuổi nhà trẻ đến trung học, được học cách ý thức với môi trường hơn đồng thời cũng được học những đề tài truyền thống như toán học và ngôn ngữ.
Green School hiện có lượng học sinh rất đa dạng, đến từ khắp nơi trên thế giới và họ hi vọng tạo ra được thế hệ lãnh đạo “Xanh” tiếp theo. Ngôi trường này hoạt động trên 3 nguyên lý đơn giản: mang tính địa phương, để môi trường dẫn dắt và hãy nghĩ về tương lai của con cháu.
Ghana – các sân chơi tạo ra điện
Ở nhiều khu vực nông thôn của Ghana, điện rất thiếu hoặc không có. Học sinh ở đây không thể học được sau khi trời tối, gây cản trở đến cơ hội được vào trung học. Vì thế, tổ chức Empower Playgrounds đã tạo ra những vòng đu quay sử dụng chính năng lượng của học sinh khi chơi để sạc pin, thắp sáng cho một chiếc đèn treo nhỏ. Mỗi lần sạc như thế sẽ giúp chiếc đèn sáng đến 40 giờ, cho phép các học sinh có thể học được dễ dàng vào buổi tối.
Canada – lớp học không giấy và không bàn ghế
Khó mà tưởng tượng được một phòng học không có bàn ghế và giấy, nhưng giờ đây chuyện đó là thật. Chẳng hạn, ở một số ngôi trường ở Canada và Mỹ, xu hướng tạo ra những không gian mở và thoái mái trong thời gian gần đây đã làm biến mất những bộ bàn ghế truyền thống. Thay vào đó, những quả bóng nẩy, ghế lười và những tấm thảm ngồi đang thế chỗ, còn iPad và máy vi tính thay cho bút và giấy.
Học sinh nộp bài tập thông qua những công cụ khác nhau như Google Classroom, và giáo viên có thể phản hồi và chấm bài trong thời gian thực. Ngay cả những chiếc bảng truyền thống cũng được thay bằng bảng thông minh.
Hà Lan – việc học được cá nhân hóa
Những ngôi trường Steve Jobs được tạo cảm hứng, chứ không phải là liên kết, bởi nhà sáng lập Apple. Triết lý của họ là khuyến khích cá nhân hóa việc học bằng giao cho học sinh, ở mọi lứa tuổi của cấp tiểu học, nhiều kiểm soát hơn. Học sinh được chọn môn học, cách học và tốc độ học.
Giáo viên được xem là “huấn luyện viên” và học sinh được gộp nhóm không phải theo độ tuổi mà là theo thế mạnh và sự hứng thú của chúng. Lịch học rất linh động và mỗi học sinh được giao một chiếc iPad. Mô hình này bắt đầu ở Hà Lan, và đã có thêm một ngôi trường tương tự được mở ở Johannesburg, Nam Phi hồi năm 2016.
Thụy Điển – trường học không phân biệt giới tính
Tại trường mẫu giáo Egalia ở Stockholm, những từ như “cậu bé ấy”, “cô bé ấy” không bao giờ được sử dụng. Các bé trai có thể chơi búp bê và các bé gái có thể chơi xe cứu hỏa. Không có khu vực được chỉ định riêng cho mỗi giới tính và sách ở đây được chọn lựa cẩn thận để tránh việc “phân loại” truyền thống ấy.
Egalia và những ngôi trường mẫu giáo tương tự khác ở Thụy Điển từ chối chấp nhận những “khuôn mẫu” giới tính, và hi vọng giúp học trò của mình chống lại được những “chuẩn” giới tính xã hội, điều mà họ tin rằng có thể gây cản trở sự phát triển và sự chấp nhận.
Singapore – giáo viên… robot
Pepper là một robot có khả năng tương tác với học sinh và trả lời những câu hỏi của chúng. Được ra mắt hồi năm ngoái như là một phần trong dự án thử nghiệm ở Singapore, Pepper đã giúp các giáo viên ở trường mẫu giáo triển khai bài học và kể chuyện cho học trò nghe. Các giáo viên cho biết loại robot này đã giúp những học sinh nhút nhát thoát được ra khỏi “vỏ ốc” của mình và tạo ra một bầu không khí tương tác, vui tươi để học tập.
Đan Mạch – các ngôi trường mẫu giáo trong rừng
Dù các ngôi trường được đặt trong thiên nhiên là không phổ biến trên thế giới, nhưng ở Đan Mạch, việc dạy cho trẻ tầm quan trọng của mẹ thiên nhiên được bắt đầu từ rất sớm. Theo cơ quan quản lý tự nhiên và rừng của Đan Mạch, trên 10% các ngôi trường mẫu giáo được đặt trong rừng hay những nơi tự nhiên khác.
Những ngôi trường này sử mọi thứ xung quanh làm công cụ dạy học, và việc ăn thực phẩm hữu cơ, đi bộ đường dài và nuôi gà là một phần trong các bài học hàng ngày. Những người ủng hộ mô hình trường học này cho rằng trẻ em phát triển các kĩ năng vận động tốt hơn khi có nhiều không gian và thời gian để chơi đùa trong thiên nhiên, thay vì là bị ngồi trong các phòng học.
Mỹ – thế giới như lớp học của bạn
Các học sinh tại trường THINK Global trải qua mỗi học kỳ tại một đất nước khác nhau. Các em được học ngôn ngữ và tại mỗi nơi đặt chân tới, các em được làm việc với những chuyên gia địa phương để tìm hiểu về các khía cạnh lịch sử, văn hóa, kinh tế xã hội của đất nước ấy. Điểm đến cho năm học 2018 – 2019 gồm Ấn Độ, Botswana, Nhật Bản và Tây Ban Nha.