Nâng chỉ tiêu xuất khẩu gạo lên 5,6 triệu tấn: Gạo Việt Nam “trở mình” đầy lạc quan

Xuất khẩu gạo tăng đột biến 115% so với cùng kỳ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sở dĩ có thể lạc quan tin tưởng ngành xuất khẩu lúa gạo Việt Nam có khả năng cán đích bởi từ tháng 8.2017, lượng hợp đồng đăng ký tăng mạnh. Trong 8 tháng năm 2017, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 3,8 triệu tấn, với trị giá FOB là 1,66 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2016, xuất khẩu gạo tăng đến 17,7% về lượng và 16,6% về trị giá FOB. Đặc biệt, trong tháng 8.2017, xuất khẩu gạo VN tăng mạnh nhất với mức tăng 70% về lượng. Về giá trị, kim ngạch XK gạo cũng tăng tới 56,8%. Các hợp đồng đăng ký XK tăng kỷ lục trong tháng 8, đạt gần 842.000 tấn. Nếu so với tháng 7.2017, lượng gạo theo hợp đồng đăng ký tăng đến 207%, còn so với cùng kỳ năm 2016 thì tăng gần 115%.

Tính chung 8 tháng qua, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng XK đến 5,1 triệu tấn, vượt xa cùng kỳ năm trước 18,8%; trong đó, hơn 85,4% là các hợp đồng thương mại và hiện vẫn còn hơn 1,2 triệu tấn chưa giao hàng.

Phần lớn các hợp đồng này đăng ký xuất khẩu nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm đi Trung Quốc; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi Châu Phi; gạo Japonica đi Châu Úc… Tình hình xuất khẩu gạo đi Trung Quốc cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Các thương gia Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu trở lại gạo nếp. Điều này cho thấy khả năng hàng trăm nghìn tấn gạo nếp đang tồn trong kho sẽ được giải phóng. “Không chỉ nhập khẩu trở lại, mà giá trị gạo nếp cũng được tăng lên” – đại diện nhiều DN xuất khẩu gạo cùng chung ý kiến. Hiện tại, giá gạo nếp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tăng lên khoảng 450USD/tấn, thay vì mức giá 420-425USD/tấn như ở thời điểm đầu tháng 8.2017 vừa qua.

Ngoài mặt hàng gạo nếp, tình hình xuất khẩu một số loại gạo như Jasmine, ST21, OM5451… cũng khá tốt. Gạo Jasmines đã có mức 570USD/tấn, tăng 70-80USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 7.2017, gạo ST21 cũng tăng từ 530USD/tấn lên 550USD/tấn. Đặc biệt, từ tháng 8.2017, phía Trung Quốc thay đổi một số chính sách về nhập khẩu gạo từ Việt Nam, nâng mức thuế nhập khẩu gạo lên nhưng thị trường vẫn đầy hứa hẹn khi nhu cầu “ăn” gạo từ Việt Nam của quốc gia này vẫn gia tăng.

Tiếp tục nâng cao chất lượng lúa gạo xuất khẩu

Đó là quan điểm của VFA mặc dù tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số quốc gia như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh vẫn trôi chảy. Theo bà Đặng Thị Liên – Giám đốc Cty TNHH Lương thực thực phẩm Long An – từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu gạo nếp của các nước này có thể lên đến 300.000 tấn.

Đặc biệt, ngày 23.5.2017, được sự ủy quyền của hai Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam – thay mặt Chính phủ Bangladesh – đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai Chính phủ. MOU mới được ký gia hạn lần này sẽ có hiệu lực 5 năm kể từ ngày ký (từ 2017-2022). Theo đó, mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh số lượng gạo các loại lên đến 1 triệu tấn. Hai bên cũng đã chỉ định các đầu mối của mình để giao dịch, đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng. Ngay sau khi ký kết Bản ghi nhớ này, phía Bangladesh đã thông báo việc muốn mua ngay của Việt Nam khoảng 250.000-300.000 tấn gạo trắng 5%. Phía Bangladesh đã chính thức mời đầu mối của phía Việt Nam sang Bangladesh trong thời gian sớm nhất để làm việc, đàm phán về giá cả và khối lượng, phương thức giao hàng. Đồng thời, Bangladesh cũng cho biết muốn mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.

Ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch VFA – cho rằng, với những tín hiệu lạc quan trên, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể đạt trên 5,6 triệu tấn trong năm 2017, thay vì con số 5,2 triệu tấn đặt ra trước đó. Hiện ngoài thị trường Châu Phi, gạo thơm và thơm nhẹ sẽ có thêm một số thị trường mới như Iran, Iraq… Riêng gạo Japonica đang có mức xuất khẩu khá tốt tại Australiavà Trung Quốc. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường, gạo Việt Nam cần xây dựng thương hiệu bền vững và không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của từng thị trường cá biệt.

Bài viết mới