7 giờ sáng ngày 14/11/2016, Mark Lopreiato – nhà sáng lập công ty sản xuất thiết bị nâng đồ đa năng Forearm Forklift, nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ hai vị giám đốc điều hành Amazon.
“Giọng điệu của họ giống như ‘Chúng tôi có tin tốt muốn thông báo’. Sau đó họ nói ‘Công ty của ông sẽ là một phần trong vụ kiện đầu tiên của Amazon với bên thứ ba”, Lopreiato nhớ lại.
Vụ kiện tụng mà họ đề cập đến ở đây là một loạt tranh chấp mà Amazon đã khởi xướng chống lại 2 nhóm thương nhân bị buộc tội bán hàng giả qua nền tảng giao dịch thương mại điện tử của họ.
Lopreiato trở thành gương mặt đại diện của vụ tranh cãi giữa Amazon và những kẻ sao chép một tháng trước khi phóng viên Ari Levy của đài CNBC đăng tải câu chuyện về việc công ty của Lopreiato đang bị hủy hoại bởi những đối thủ cạnh tranh bán hàng giả trên Amazon.
Trong bài báo có tựa đề “Làm thế nào để những kẻ sao chép trên Amazon khiến việc kinh doanh của người đàn ông này lâm vào bờ vực phá sản”, Levy nhấn mạnh:
“Một lần nữa, những sản phẩm bán chạy chủ lực của Forearm Forklift – nhà cung cấp thiết bị nâng và vận chuyển đồ đa năng vốn đang có sẵn tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống bao gồm Wal-Mart, Target và AutoZone, đã bị những kẻ sao chép làm giả và bán phá giá trong suốt hơn nửa thập kỷ qua, chủ yếu trên Amazon. Nhóm doanh nhân này đã sao chép sản phẩm được cấp bằng sáng chế, sử dụng tên, hình ảnh, nhãn hiệu dưới cái tên Forearm Forklift và bán với giá rẻ hơn rất nhiều”.
Chưa đến 1 tháng sau bài báo của Levy, Amazon đã đệ trình vụ kiện mang tính lịch sử này cùng với danh sách những người bán hàng mà theo họ là “đã góp phần trong việc cố ý sản xuất, nhập khẩu, phân phối và bán các sản phẩm Forearm Forklift giả mạo”.
“Giấc mơ Mỹ” mang tên Forearm Forklift
Lopreiato nảy ra ý tưởng về Forearm Forklift vào năm 1997 khi ông đang làm việc ở vị trí người vận chuyển tại chính quê nhà California. Ông cần một phương tiện để vận chuyển đồ đạc và những dụng cụ quá nặng mà không thể di chuyển bằng tay, Lopreiato đã thiết kế ra một loại dây đai có thể giúp con người sử dụng cấu trúc xương cánh tay và đòn bẩy thay thế.
Mặc dù ý tưởng đằng sau Forearm Forklift có vẻ đơn giản như một chiếc bánh xe, nhưng từ trước đến nay chưa ai từng bán nó ra thị trường. Lopreiato đã thay đổi điều này bằng cách đăng ký cấp bằng sáng chế cho sản phẩm, đặt tên thương hiệu và thiết lập dây chuyền sản xuất.
Sau đó, ông đã đi đúng con đường của mình, dành rất nhiều năm tham dự các trade show (triển lãm thương mại), thậm chí còn tạo ra một chương trình quảng cáo trên truyền hình mang tên “As Seen On TV” nhằm cố gắng thu hút sự chú ý cho sản phẩm và cuối cùng đã thành công với việc thành lập công ty.
Công việc bắt đầu suôn sẻ và các sản phẩm Forearm Forklifts được phân phối tại các nhà bán lẻ tên tuổi như Home Depot và U-Haul. Nhân cơ hội đó, Lopreiato bắt đầu mở rộng quy mô hoạt động. Đến năm 2008, công ty của ông đã thu được 4 triệu USD doanh thu mỗi năm và Lopreiato được coi như người đã tạo ra các sản phẩm Forearm Forklifts.
Câu chuyện của Forearm Forklift chính là ví dụ điển hình cho “giấc mơ Mỹ”: Một bác sĩ thú y từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, sau khi về hưu đã có một ý tưởng tuyệt vời, xây dựng một công ty, nỗ lực làm việc chăm chỉ và cuối cùng đã đạt được thành công. Tuy nhiên, giấc mơ đó đã không kéo dài quá lâu trong kỷ nguyên thương mại điện tử.
Cuộc chiến chống lại những “kẻ sao chép” bắt đầu
Khoảng 5 đến 6 năm trước, Lopreiato bắt đầu nhận thấy các sản phẩm Forearm Forklift bị làm giả đang được bán trên Amazon – và vấn đề ngày càng gia tăng theo thời gian. Thậm chí có thời điểm, có tới 100 sản phẩm giả mạo được tìm thấy trên website này.
Trong nhiều trường hợp, những sản phẩm giả mạo này được bán như những sản phẩm chính hãng và nằm trong cùng 1 trang với sản phẩm Forearm Forklift thật, với cùng hình ảnh, cùng mô tả, cùng nhận xét và những khách hàng mua chúng đều tưởng rằng mình đã mua được hàng chính hãng.
Trên Amazon, cũng như bất cứ nơi nào khác, khi các sản phẩm bình đẳng như nhau, khách hàng sẽ có xu hướng bị thu hút bởi những mặt hàng có giá thấp nhất; và khi đó những “kẻ sao chép” của Lopreiato bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh về giá với ông, đẩy công ty ông đến bờ vực phá sản.
“Một người mua sắm bình thường trên Amazon sẽ không thể nhận thấy sự khác biệt. Danh sách sản phẩm của tôi luôn là những mặt hàng đắt tiền nhất, bởi chúng tôi còn phải trả tiền lương cho người lao động, chúng tôi phải trả tiền bảo hiểm trách nhiệm thương mại, chúng tôi phải trả phí bản quyền, chúng tôi phải chi tiền làm hình ảnh, chúng tôi phải trả tiền đăng ký nhãn hiệu… Trong khi đó, những kẻ sao chép Trung Quốc chỉ việc lấy cắp hình ảnh của chúng tôi, tên đăng ký thương hiệu của chúng tôi, họ không phải trả bất cứ chi phí nào cả. Họ lấy mọi thứ từ chúng tôi, sau đó bán sản phẩm với giá chỉ bằng một nửa”, Lopreiato giải thích.
Thời gian sau đó, Lopreiato nhận thấy doanh thu hàng năm của công ty đã sụt giảm 30%, điều này khiến ông buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh và sa thải hơn một nửa lực lượng lao động. Và như Levy đã đề cập, lợi nhuận của Forearm Forklift chỉ còn 500 USD/năm.
Thậm chí, ngay cả khi được xuất hiện trên chương trình ‘Try It and Buy It’ của Đài ABC Buổi Sáng – nơi sản phẩm có cơ hội đến với hàng triệu khách hàng tiêu dùng trên cả nước thì đối với Lopreiato, đó vẫn là một trải nghiệm đắng cay bởi ông biết rằng tất cả những người xem muốn mua hàng của Forearm Forklift sẽ lại đăng nhập lên Amazon.com và… gặp những “kẻ sao chép”.
Tuy vậy, Lopreiato đã không chấp nhận bị đánh bại dễ dàng như thế. Ông đã bắt đầu cuộc chiến với những kẻ giả mạo thông qua biên bản đề xuất của Amazon. Về cơ bản, như một phần của quy trình báo cáo sản phẩm giả mạo trên Amazon, doanh nhân này đã mua thử một sản phẩm giả mạo của những kẻ sao chép.
Việc mua thử nghiệm sẽ giúp các doanh nhân chính thống này biết được dòng tiền thu được từ những sản phẩm giả mạo này đang đổ về đâu. Trong trường hợp của Lopreiato và rất nhiều doanh nhân khác, dòng tiền này được truy ngược lại từ Trung Quốc – nơi có tới hơn 60% sản phẩm sao chép trên toàn thế giới, theo số liệu của OECD.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của Juozas Kaziukenas đến từ Marketplace Pulse, các thương nhân Trung Quốc hiện chiếm 25% người bán hàng trên Amazon USA và có thể chiếm tới 1/4 dung lượng thị trường toàn cầu.