Trong thời gian trở lại đây, cụm từ giấy phép con đã được nhắc rất nhiều lần. Đó là một chu trình: doanh nghiệp phản ánh, kêu cứu rồi Chính phủ hành động thông qua việc cắt bỏ hoặc dự kiến cắt bỏ những điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc cắt bỏ, theo nhận định do nhóm nghiên cứu chính sách độc lập do ông Nguyễn Quang Đồng đại diện thì dù sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, bớt bị nhũng nhiễu, nhưng đó thuần chỉ là công việc cơ học. Những biến tướng của giấy phép con có thể xuất hiện trở lại. Do vậy, nhóm này chọn cách tiếp cận khác, đi từ căn nguyên của vấn đề.
Thứ nhất, nhóm nghiên cứu này cho rằng đang có sự nhận thức sai lầm về vai trò của Nhà nước và thị trường.
Minh chứng tiêu biểu cho nguyên nhân này là chuyện các người đẹp bị phạt tiền vì đi dự thi quốc tế mà chưa được cấp phép. Đó là trường hợp của Nguyễn Thị Thành – Á hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế với 22,5 triệu tiền phạt (21/4/2017). Công ty đưa Thành đi dự thi ở Ai Cập cũng bị phạt 35 triêu đồng.
Trong các văn bản hoả tốc trước đó gửi Sở văn hoá Thể thao TP. HCM, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã sử dụng cụm từ “hành vi trái pháp luật” khi nói về Nguyễn Thị Thành.
Trước Thành, các người đẹp khác như Quế Vân (người đẹp đầu tiên bị xử phạt, mức 15 triệu) cũng được các cơ quan liên quan dùng các cụm từ như “khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm”
“Tính nghiên túc của cơ quan Nhà nước được thể hiện rất rõ”, ông Nguyễn Quang Đồng nhận xét. Từ 2013 đến nay, thống kê của báo chí cho biết đã có 9 người đẹp bị phạt vì vi phạm quy định này.
Các người đẹp lập luận rằng họ đi thi với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho Việt Nam để phải xin phép và tuân thủ các “điều kiện đối với thi sinh được cấp phép tham dự thi người đẹp, người mẫu Quốc tế là đã đạt danh hiệu chính tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước” (Theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ).
Theo nhóm nghiên cứu, không phải tự nhiên mà các bộ đều soạn thảo cho mình các loại văn bản mang dấu ấn “luật ngành” trang bị cho ngành mình những đặc quyền.
Bởi lẽ yếu tố “có sự quản lý của Nhà nước” trong khái niệm “nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” được ghi trong “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000” (Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII) đã và đang được hiểu và thể hiện theo nghĩa, quản lý có nghĩa là Nhà nước phải nhúng tay vào và công cụ quản lý Nhà nước lại chỉ là can thiệp bằng các công cụ hành chính.
Thứ hai, theo nhóm nghiên cứu, trong quá trình thiết kế chính sách có sự nhầm lần về phạm vi các quan hệ dân sự – hành chính – tư pháp.
“Điều kiện kinh doanh được đưa ra tràn lan còn vì các cơ quan quản ký không phân biệt được vấn đề mình xử lý thuộc phạm vi, quan hệ nào”, nghiên cứu của nhóm chỉ ra.
Ví dụ như Nghị định 109 liên quan đến xuất khẩu gạo yêu cầu các doanh nghiệp phải sở hữu kho chứa trên 5.000 tấn và phải sở hữu nhà máy xay xát đạt công suất 10 tấn/giờ. Các nhà ban hành chính sách lập luận rằng doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện đó thì chất lượng mới đảm bảo – giữ uy tín cho gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, những nhà làm luật đã quên mất, điều quan trọng của một nhà sản xuất là thị trường. Chính những người này, hơn ai hết, cần giữ uy tín để bảo vệ chính họ, làm thế nào để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất. Theo đó, kho chứa và nhà máy xay xát, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thuê hoặc hợp tác. Đó là quan hệ hợp đồng kinh tế, là công việc của thị trường chứ không phải của nhà nước với các công cụ hành chính can thiệp.
Thứ ba, nhóm nghiên cứu nhận định có nhiều nhóm lợi ích chi phối động cơ ban hành chính sách. Cách thức tổ chức hệ thống vừa làm chính sách, vừa cấp phép sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề.
Cụ thể, thống kê cho thấy không ít quy phạm được các cơ quan quản lý đưa ra ngay lập tức đã tạo sự phân biệt, kỳ thị các doanh nghiệp nhỏ. Mục tiêu quản lý hết sức mơ hồ nhưng bóng dáng lợi ích nhóm thì khá rõ ràng.
Minh chứng cho lập luận này là trên nhiều lĩnh vực thị trường như kinh doanh gas, nhập khẩu ô tô, xuất khẩu ô tô, ngay khi các điều kiện kinh doanh có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp nhỏ bị gạt ra, thị trường chỉ còn lại các ông lớn.
Ví dụ, ở thời điểm Bộ Công thương ban hành Thông tư 20, năm 2011, lượng xe ô tô do các DNNVV vừa nhập về và bán ra trên thị trường là rất lớn và chiếm thị phần cao hơn so với các hãng lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, với hai điều kiện bắt buộc được ban hành trong Thông tư mà chỉ có những doanh nghiệp lớn có thể đáp ứng, số lượng doanh nghiệp nhập khẩu xe đã nhanh chóng giảm từ 200 xuống chỉ còn 30.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành Chính phủ hiện nay vẫn duy trì một bộ máy vừa xây dựng quy định pháp luật, vừa thực thi việc cấp phép trong hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý của mình.
Một nguyên nhân khác chính là việc kiểm soát hành chính đối với việc ban hành giấy phép không được thực hiện, vi phạm về ban hành quy định dưới luật không được xử lý. Mặt khác, hệ thống tư pháp còn yếu cũng dẫn đến việc giấy phép con bùng phát.
Không phủ nhận quyết tâm và nỗ lực xoá bỏ giấy phép con của chính phủ, nhưng nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, cải cách phải toàn diện. Trong đó, gốc rễ cần định nghĩa lại vai trò của Nhà nước – thị trường; sửa quy trình ban hành để kiểm soát được số lượng, nâng được chất lượng; tổ chức bộ máy đi kèm.
Bên cạnh những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý cần cải cách đồng bộ hai thiết chế bên ngoài là thiết chế tư pháp và tổ chức hội, hiệp hội.