Cụ thể, hàng loạt đơn vị kinh doanh gas thuộc Hiệp hội Gas Hà Nội cho biết, hai đơn vị khác là Công ty CP Hải Dương Gas (Kim Thành, Hải Dương) và Công ty CP Kinh doanh và XNK Khí hóa lỏng Vạn Lộc (huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện đang giữ số lượng lớn vỏ bình LPG nhằm mục đích chiết nạp, cắt tai mài vỏ để thay đổi nhãn mác bình gas.
Theo Hiệp hội Gas Hà Nội, việc cung cấp bình LPG đến người tiêu dùng phải đảm bảo toàn bộ các yếu tố kiểm tra đủ điều kiện an toàn mới được phép xuất xưởng. Việc chiết nạp lậu, không tuân thủ quy định do sử dụng gas không rõ nguồn gốc chiết nạp sang vỏ bình của đơn vị khác tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đối với người sử dụng.
Thực nghiệm cắt đôi bình gas để minh chứng vỏ bình LPG bị “cắt tai, mài vỏ” dán nhãn mác khác vào để sang chiết gas.
Để đưa ra các bằng chứng về việc vỏ bình LPG bị “cắt tai mài vỏ” gắn nhãn mác mới, chiều 23/9, tại sân nhà máy sản xuất vỏ bình gas của một công ty dầu khí ở Bắc Ninh, đại diện các công ty trên đã tổ chức một buổi thực nghiệm dưới sự chứng kiến của các cơ quan báo chí.
Theo đại diện công ty Hồng Hà gas, để có được những bình gas nghi là giả này, đơn vị đã phải rất vất vả để theo dõi và thâm nhập vào hang ổ của những kẻ thu gom bình gas lậu thu mua về thực nghiệm.
Tại hiện trường, nhiều bình gas của các thương hiệu khác nhau được tập hợp. Bề ngoài, những bình gas này không có gì khác biệt, chỉ khác nhau về màu sắc và logo.
Ông Hồ Xuân Gia (đại diện hãng Gas Venus), cho biết: “Đây là những bình gas nghi là bình của chúng tôi đã bị một số công ty khác lấy lại rồi mài vỏ, cắt tai và làm giả trên thị trường. Chúng tôi đang thu gom, tập kết tại đây để làm bằng chứng giao nộp cho cơ quan chức năng. Một số bình bị xóa sạch dấu vết bên ngoài nên chúng tôi phải cắt đôi vỏ ra mới có thể nhận diện chính xác được”.
Để minh chứng bình gas bị làm giả, hai công nhân đã lấy ngẫu nhiên ra hai bình gas để tháo van và khử sạch khí gas bên trong, sau đó cưa đôi chiếc bình.
Theo quan sát, trong hai chiếc bình được cưa đôi, một bình đóng logo Vạn Lộc Gas, một chiếc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng, sau khi cưa đôi bình gas, bên trong thân bình hiện rõ logo của hãng PV Gas và Hồng Hà Gas được dập nổi.
Một vỏ bình gas bị chiếm dụng để gắn nhãn mác và dập chữ của đơn vị kinh doanh khác trên thân vỏ, tuy nhiên, khi cắt đôi bình gas, logo của đơn vị chính hãng được dập nổi bên trong.
Ông Lê Văn Anh – đại diện Hồng Hà Gas, bức xúc: “Để sản xuất ra những chiếc bình này, chúng tôi tốn chi phí khoảng 500 đến 700 nghìn đồng, trong đó 80% là sản xuất van và thân bình, 20% còn lại là cho tai và đế gas. Phần vỏ bình của Hồng Hà Gas làm bằng thép SG255, dày 2,6mm theo tiêu chuẩn JIS G3116. Nếu các doanh nghiệp khác chiếm dụng bình, thay tai và đế là họ đã giảm được đến 80% chi phí sản xuất”.
Chỉ tay vào một bình gas có dấu hiệu được làm giả, ông Văn Anh giải thích: “Chiếc bình này được ăn cắp một cách trắng trợn. Tai, thân bình và đế đều được in chữ dập nổi là của hãng Vina Gas nhưng chúng đã in chữ khác đè lên thân bình. Không chỉ ăn cắp vỏ bình của doanh nghiệp Vina Gas, chúng còn ghi địa chỉ sản xuất và nguồn gốc xuất xứ để đánh lừa người tiêu dùng”.
Theo vị đại diện Hồng Hà Gas, trung bình mỗi năm, doanh nghiệp này bị mất hơn 100 nghìn chiếc vỏ bình, tương đương việc họ phải sản xuất thêm số lượng tương ứng bình gas bị mất.
Không chỉ có Hồng Hà, nhiều doanh nghiệp như An Dương Gas, Vina Gas, PV Gas, Venus Gas,… đều chung tình trạng bị đánh cắp vỏ bình. Tính riêng các doanh nghiệp ở Hiệp hội Gas Hà Nội, mỗi năm cũng mất tới hơn triệu chiếc bình, tương đương chừng đó bình gas được làm giả và tung ra thị trường.
Các công ty ăn cắp bình không mất chi phí sản xuất vỏ, hoặc mất một chi phí rất thấp nên giá gas đưa ra thị trường rẻ hơn, chiết khấu cho các đại lý cao hơn nên ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Một chuyên gia trong lĩnh vực gas cho biết, người tiêu dùng Việt có thói quen sử dụng gas chỉ quan tâm đến giá cả, chỉ cần rẻ hơn 10.000-20.000 đồng mà không để ý đến thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ. Đôi khi, người tiêu dùng quá tin tưởng vào các đại lý gas nên được chở tới bình nào thì sử dụng bình đó.
Vì thể, một số doanh nghiệp kinh doanh gas, bằng hình thức “ăn cướp” và nắm bắt được tâm lý, thói quen của người tiêu dùng, đã lừa đảo khách hàng dưới hình thức “cắt tai, mài vỏ” để thay đổi nhãn mác.