Đường sắt hút khách bằng dịch vụ của hàng không

Tháo ghế, lập tàu riêng theo yêu cầu của hành khách

Chia sẻ với Báo Giao thông sau chuyến “Company trip” mà mình tham gia tổ chức, anh Lê Tùng Lâm (Công ty Sigma) nói: “Ai cũng vui, thấy thú vị vì được trải nghiệm chuyến đi bằng tàu hỏa”.

Anh Lâm cho biết, xuất phát từ nhu cầu tổ chức cho CBCNV tham quan nghỉ mát trong dịp hè vừa qua từ Hà Nội đi Lăng Cô và ngược lại với số lượng quá lớn, lên đến hơn 500 người, công ty quyết định di chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, Sigma đã đưa ra những yêu cầu khá “oái oăm” với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội so với điều kiện tổ chức chạy tàu hiện nay như: Phải lập riêng một đoàn tàu, toa xe hiện đại, cao cấp; thay một số trang thiết bị tại các toa xe cho đẹp, tiện nghi hơn, kể cả các thiết bị buồng rửa mặt; có toa xe cộng đồng để sinh hoạt, giao lưu trên tàu…

Để đáp ứng yêu cầu của Sigma, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Phùng Thị Lý Hà cho biết, đã điều các cán bộ từ kinh doanh, chăm sóc khách hàng đến kĩ thuật toa xe, phục vụ ăn uống trực tiếp thực hiện. Đặc biệt, ngành Đường sắt tiến hành tháo toàn bộ ghế trong toa ghế ngồi, đồng thời trang trí lại nội thất để tạo thành toa xe cộng đồng. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi lập một đoàn tàu riêng chỉ để phục vụ một đoàn khách lớn như vậy. Chúng tôi cố gắng đáp ứng tối đa yêu cầu của khách để có thể nâng tiêu chuẩn phục vụ, cũng như mở ra hình thức mới trong kinh doanh, phục vụ hành khách”, bà Hà nói.

Sau chuyến đi, anh Lê Tùng Lâm nhận xét: “Phục vụ trên tàu tốt hơn nhiều so với trước. Ăn uống ngon, chất lượng; nhân viên phục vụ nhiệt tình, thân thiện. Lần sau, chúng tôi sẽ lựa chọn đi tàu cho những chuyến nghỉ mát như thế này của công ty”.

Không chỉ phục vụ theo yêu cầu của đoàn khách như Công ty Sigma hay các đoàn khách du lịch lớn, bà Hà cho biết, đường sắt đang hướng tới nâng cao tiêu chuẩn phục vụ trên tàu với việc cung cấp các dịch vụ đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng. Như dịch vụ cho thuê toa xe khách hạng sang, khách hàng chỉ phải bỏ ra khoảng 12-14 triệu đồng trở lên (cả hai chiều) trên các tuyến Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Vinh và từ 26-29 triệu đồng (cả hai chiều) trên tuyến Hà Nội – Huế – Đà Nẵng là có được chuyến du hí trong “căn hộ khách sạn di động” với một phòng ngủ giường đôi, một phòng ngủ 4 giường đơn, phòng bếp, phòng khách, hai toilet với đầy đủ tiện nghi. Các dịch vụ gia tăng trên toa xe như dịch vụ ăn uống, giải trí, ngâm chân nước thuốc… thực hiện theo yêu cầu đặt hàng của khách…

Hướng tới tiêu chuẩn dịch vụ như trên máy bay

Nói về những thay đổi trên, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết: “Xã hội đang coi dịch vụ hàng không là đẳng cấp nhất trong vận tải. Đường sắt không phải thực hiện những gì cao siêu, hãy học hỏi và cố gắng làm được các dịch vụ như hàng không là có thể khiến khách hàng hài lòng, đến với tàu hỏa”.

Theo ông Minh, đường sắt đang triển khai thực hiện nhiều biện pháp nâng cao tiêu chuẩn dịch vụ với phương châm: “Đáp ứng những gì khách hàng cần”, từ thiết kế, đóng mới toa xe với các trang thiết bị đạt chất lượng tiệm cần hàng không như: Ghế ngồi thoải mái, màu sắc sang trọng; modul vệ sinh hiện đại; trên toa xe có khoang VIP, chỗ VIP với chất lượng dịch vụ cao cấp tương xứng; tại các nhà ga có phòng đợi tàu hạng C…

Thông tin thêm, bà Phùng Thị Lý Hà cho biết, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội vừa phối hợp với Học viện Hàng không VN tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng phục vụ hành khách cho các trưởng tàu khách, lãnh đạo các trạm công tác trên tàu và cả giám đốc các chi nhánh kinh doanh, phục vụ khách hàng.

“Tháng 10 tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ tiếp viên phục vụ trên tàu, dưới ga. Đây là một trong nhiều biện pháp nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, cung cách phục vụ hành khách từ lãnh đạo đến nhân viên trên tàu”, bà Hà nói.

Còn ông Thái Văn Truyền, Giám đốc Đoàn Tiếp viên đường sắt Phương Nam cho rằng, để nâng tiêu chuẩn phục vụ trên tàu, phải khắc phục bằng được vấn đề vệ sinh toa xe. Hiện nay, đường sắt đã thuê các công ty vệ sinh chuyên nghiệp làm vệ sinh toa xe trước khi đoàn tàu xuất phát. Cùng với đó, ban hành quy trình vệ sinh và giám sát kiểm tra công tác này trên tàu một cách nghiêm ngặt.

Cũng theo ông Truyền, đơn vị đang công khai khẩu hiệu: “Toa xe là nhà, hành khách là người thân” tại các đầu toa xe, từ đó nhân viên ý thức và thực hiện tốt việc giữ gìn toa xe, phục vụ hành khách tận tình, chu đáo hơn. Cùng đó, đường sắt đang nghiên cứu đưa suất ăn hàng không lên tàu, trước mắt thí điểm trên một số đoàn tàu đẳng cấp cao.

Xem link gốc tại đây

Vì sao ngành đường sắt Việt Nam lạc hậu so với thế giới?

Bài viết mới