Thế giới có thể lâm cảnh thiếu dầu trong năm tới

Những ai trên thị trường dầu lửa còn đang lo chuyện thừa cung dầu từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nên chuẩn bị sẵn sàng cho sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng này trong năm 2018 – theo nhận định mới được ngân hàng Citigroup đưa ra.

5 quốc gia thành viên OPEC, gồm Libya, Nigeria, Venezuela, Iran và Iraq, có thể đã đạt công suất khai thác dầu tối đa trong năm nay – ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu của Citigroup, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg. Theo vị chuyên gia, cả 5 nước này đều yếu về đầu tư cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu, nên công suất khai thác khó có thể sớm tăng thêm.

Bởi vậy, ông Morse cho rằng, thay vì có sự gia tăng sản lượng dầu, rất có thể sẽ xuất hiện tình trạng thiếu cung dầu vào đầu năm 2018.

“Thị trường vốn đang lo là sản lượng dầu của OPEC sẽ tăng mạnh”, ông Morse nói. “Nhưng sự thiếu hụt nguồn cung có thể sẽ xuất hiện, dẫn tới một thị trường dầu thắt chặt hơn”.

So với thời điểm giữa năm 2014, giá dầu thế giới hiện vẫn đang thấp hơn 50%. Sáng ngày 27/9 theo giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI giao dịch tại New York đứng trên mức 52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tại thị trường London đứng gần 59 USD/thùng, tăng nhẹ so với chốt phiên ngày 26/9.

Nhiều ý kiến cho rằng việc OPEC cắt giảm sản lượng là chưa đủ để giải quyết tình trạng thừa mứa dầu trên toàn cầu. Trong một cuộc họp diễn ra ở Vienna, Áo vào tuần trước, OPEC và các đối tác trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng, gồm Nga, vẫn chưa đưa ra quyết định về có gia hạn thỏa thuận này khi thỏa thuận hết hạn vào cuối quý 1/2018 hay không.

Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ có thể tăng theo sự phục hồi của giá dầu, khiến đà tăng giá sớm bị chặn lại.

Tuy nhiên, ông Morse nói rằng, nếu OPEC kéo dài việc cắt giảm sản lượng, thì triển vọng về một thị trường dầu lửa bị thắt chặt nguồn cung càng trở nên rõ ràng hơn. Ông nhấn mạnh rằng, sự thiếu hụt nguồn cung này sẽ chủ yếu đến từ OPEC thay vì các nước sản xuất dầu ngoài khối.

“Họ không còn khả năng tăng sản lượng thêm nữa”, ông Morse nói về nhóm 5 nước trong OPEC.

“Chúng tôi nhận thấy rằng không phải các công ty dầu lửa quốc tế hiện nay đang chậm về đầu tư cho khai thác mới, mà chính các nước OPEC đang chậm trong lĩnh vực này, nhất là 5 nước kia”, vị chuyên gia phát biểu.

Riêng tại Iran, các nhà đầu tư trong ngành dầu lửa có thể chịu ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Nước này hiện đang xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày và dự kiến sẽ tăng mức xuất khẩu vào cuối năm 2017, theo dữ liệu từ công ty dầu khí quốc gia National Iranian Oil.

Về Iraq, ông Morse nói các điều khoản hợp đồng khai thác dầu của nước này kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Một loạt công ty năng lượng lớn như Lukoil hay Shell đều đã rút dự án hoặc giảm vốn đầu tư ở nước này.

Về Libya và Nigeria, ông Morse cho rằng hai nước này đã khôi phục được hầu hết phần sản lượng suy giảm vì nội chiến trước đây và khó có thể khai thác mạnh hơn. Trong khi đó, bất ổn chính trị ở Venezuela đã khiến đầu tư vào ngành dầu lửa của nước này sụt giảm, khiến lượng dầu xuất khẩu của nước này khó có thể sớm hồi phục.

Giá dầu thô giảm sau khi cao nhất trong vòng 4 tuần

Bài viết mới