“Nội soi” 3 lĩnh vực kinh doanh chính của IDICO

Vào ngày 5/10, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) sẽ diễn ra. Theo đó, IDICO sẽ bán đấu giá hơn 55,3 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 18.000 đồng/cổ phần.

Nhiều khu công nghiệp còn chỗ trống

Theo bản công bố thông tin trước IPO, IDICO có 5.001 ha khu công nghiệp với 13 dự án. Tuy nhiên, 3 dự án trong số này đã dừng triển khai, chờ chuyển đổi nhà đầu tư là KCN Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2 và KCN Thế Kỷ. Do đó, diện tích thực mà IDICO còn sở hữu tới hiện tại là 3.271 ha khu công nghiệp với 10 dự án.

Đơn vị: ha

Đơn vị: ha

Tuy nhiên, trong số diện tích sở hữu hiện tại, IDICO không phải đã cho thuê hết. Tỷ lệ lấp đầy và hiện trạng một số khu công nghiệp còn khá “loãng”.

Chỉ 3 KCN Nhơn Trạch I, Nhơn Trạch V, Kim Hoa và Mỹ Xuân A với tổng diện tích 1.043 ha được lấp đầy 99 – 100%, còn lại đều đang có tỷ lệ trống.

Các dự án như KCN Phú Mỹ II mở rộng (403 ha), KCN Quế Võ II (269 ha) đều có tỷ lệ lấp đầy khá thấp. Đặc biệt, KCN Quế Võ II dù đã đi vào khai thác từ năm 2010 nhưng tới nay mới chỉ lấp đầy được 24%. Ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng Giám đốc IDICO nói việc đền bù giải phóng mặt bằng chậm và khó, thu hút đầu tư khu Bắc Ninh thấp. Hiện nay sau khi đền bù, về cơ bản dự án đang được triển khai tốt, thời gian tới có thể sẽ tốt hơn. Giai đoạn đầu tư chưa thể có hiệu quả ngay ban đầu.

Trong khi đó, 3 KCN còn chưa được lấp đầy là KCN Hựu Thạnh (524 ha), KCN Sơn Mỹ 1 (1.070 ha), KCN Cầu Nghìn (184 ha). Tổng diện tích này là 1.778 ha, bằng 54% diện tích IDICO sở hữu. Nguyên nhân là đang triển khai đền bù giải phóng mặt bằng, chưa đầu tư hạ tầng hoặc đang triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo phương án cuốn chiếu.

Nói về các khu công nghiệp chưa được lấp đầy, đại diện IDICO cho biết đang thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, cố gắng hoàn thành trong năm nay. Thời điểm lấp đầy phụ thuộc vào vốn đầu tư và tiềm năng các khu công nghiệp này là khá lớn.

Ông lấy ví dụ, khu công nghiệp Hựu Thạnh, Long An có diện tích 524 ha. Diện tích đất sạch cho thuê được ngay với giá khoảng 65 USD/m2. Như vậy doanh thu cho thuê chừng 300 triệu USD. Đây chính là một phần tiềm năng dài hạn và to lớn từ các khu công nghiệp của IDICO.

Len lỏi “ngách” thủy điện và dự án BOT lợi nhuận cao

Kinh doanh điện chiếm phần lớn tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu IDICO trong nhiều năm. Bình quân giai đoạn 2014 – 2016, ngành điện góp 47% trong cơ cấu doanh thu theo lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, tỷ trọng này đã giảm dần từ mức 60% năm 2014 xuống còn 21% vào năm 2016 do IDICO chuyển nhượng vốn tại Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 (công suất 190 MW) và Đak Mi 4C (công suất 18 MW).

Hiện tại, IDICO đang vận hành 2 nhà máy là thủy điện Srok Phu Miêng (công suất 51 MW) và thủy điện Đak Mi 3. Trong đó, Srok Phu Miêng phát điện thương mại từ năm 2006, sản lượng điện trung bình hàng năm khoảng 200 triệu kWh. Còn nhà máy Đak Mi 3 (công suất 63 MW) hoàn thành phát điện thương mại tổ máy 1 vào quý II và tổ máy 2 vào quý III năm nay.

Nói về nhà máy Đak Mi 3, ông Đạt cho biết suất đầu tư thủy điện hiện nay hiếm có dự án nào dưới 30 tỷ/MW. Thủy điện Đak Mi 3 có tổng vốn đầu tư 1.626 tỷ đồng nhưng quyết toán vốn đầu tư đến giờ chỉ tới 1.500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Đạt, hiện nay, ngành điện mua điện với 3 mức giá ở 3 khung giờ khác nhau: cao điểm, thấp điểm và giờ bình thường. Giờ cao điểm từ 6h tối đến 10h đêm, giá tăng gấp 3 lần, từ 10h đến sáng, giá còn 1/3. Thủy điện có ưu việt là ngừng và chạy không mất phí, nước giữ trong hồ. Mục đích của Đak Mi 3 sau này chỉ phát điện vào giờ cao điểm, đem lại doanh thu cao hơn. Do đó, mục tiêu không phải sản lượng bao nhiêu mà là doanh thu bao nhiêu?

IDICO cũng đang làm chủ đầu tư và tham gia đầu tư xây dựng 10 dự án giao thông. Trong đó, tổng công ty đã thực hiện đầu tư thành công 3 dự án BOT giao thông là Quốc lộ 2 Nội Bài – Vĩnh Yên, Quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc và Quốc lộ 51, đang trong giao đoạn thu phí hoàn vốn.

Tổng Giám đốc IDICO nói BOT Quốc lộ 51 có tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng, thời hạn thu phí trong 23 năm, đã ký hợp đồng với Bộ Giao thông Vận tải. Hiện, trạm BOT này mỗi ngày thu khoảng 1,1 tỷ đồng. Còn trạm BOT Quốc lộ 1A An Sương – An Lạc mỗi ngày thu 650 triệu đồng. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc, các dự án BOT này có lợi nhuận cao, rủi ro thấp, đầu tư có hiệu quả.

Theo lãnh đạo công ty, IDICO sẽ thực hiện niêm yết thẳng lên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) sau thời hạn 90 ngày. Kế hoạch trong 3 năm tới, IDICO phấn đấu tăng trưởng trung bình về cả doanh thu và lợi nhuận là 15%/năm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, IDICO đạt doanh thu hợp nhất 2.760 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 339 tỷ đồng, tăng 22%.

Năm 2016, doanh thu IDICO giảm 4% nhưng LNST lại tăng 66%, đạt 449 tỷ đồng. Sự chênh lệnh về LNST đến từ việc ghi nhận lợi nhuận khác 129 tỷ đồng mà cùng kỳ năm trước chỉ chưa đầy 18 tỷ đồng.

Bài viết mới