Chủ tịch VNG Lê Hồng Minh: Trong khi vốn đổ vào startup Indonesia, Singapore cả tỷ đô thì vào Việt Nam chỉ 100 triệu USD

Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2017, ông Lê Hồng Minh nhận được câu hỏi về việc sẽ kiến nghị chính sách gì tới Chính phủ đề các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong huy động vốn đầu tư hoặc niêm yết ở nước ngoài.

“Đứng ở quan điểm của một doanh nghiệp mà đưa ra đề nghị với chính phủ thì khó nói. Có nhiều chuyện doanh nghiệp làm mà chờ chính sách thì lâu lắm. Tôi không nói nhiều về hỗ trợ chính sách mà chỉ nói về bức tranh startup”, ông Minh nói.

Riêng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, VNG đánh giá, dù có thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng thực tế, số tiền đổ vào cộng đồng startup Việt Nam còn khiêm tốn.

“Trong bức tranh đầu tư vào startup khu vực ĐNÁ, gần 2 năm trở lại đây chương trình hành động rất lớn. Năm ngoái đầu tư vào startup là khoảng 1,5 tỷ đô nhưng ở Việt Nam thì dưới 100 triệu USD, 80% còn lại là tại Indonesia và Singapore. Từ đầu năm đến nay, 6 công ty tại Indonesia và Singapore nhận được đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Nổi tiếng là Grab nhận 2,5 tỷ USD”, ông Minh nói.

Theo lãnh đạo VNG, nhìn lại sự chuyển động khu vực thì thấy, họ dễ huy động những nguồn vốn rất lớn để đầu tư vào ngành này, gấp mấy chục lần công ty Việt. Trong 6 công ty mới nhận được đầu tư lớn, có 4 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là Lazada, Grab… Đó là điều mà các công ty Việt không nghĩ tới được. Nhiều công ty tại Việt Nam huy động trầy trật mấy nghìn đô.

Đối với VNG, ông Minh cho rằng công ty định vị mình là công ty quốc tế, nhằm tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ở VNG trong thời gian vừa qua, cũng khó khăn lắm mới gọi được 200 – 300 triệu USD. VNG phải qua 5 bộ mới được có được một giao dịch nhỏ nhỏ.

Theo ông Minh, quan trọng chính phủ định vị vị trí của Việt Nam trong khu vực như thế nào, nếu giờ mới nói Việt Nam tiềm năng thì càng ngày càng tụt hậu.

Với câu hỏi đặt ra là câu chuyện VNG niêm yết tại nước ngoài có khả thi không thì ông Minh cho rằng VNG nghĩ có thể làm được và đã bắt đầu làm.

Ngày 30/5 vừa rồi là ngày đáng nhớ với cộng đồng startup cũng như doanh nghiệp Việt Nam khi VNG lần đầu tiên ký Bản ghi nhớ về việc dự kiến niêm yết trên Sàn chứng khoán NASDAQ tại New York. Đội ngũ VNG đã gây dựng hệ sinh thái nghe nhạc ZingMP3, ZingTV, Zalo, Zalopay… giá trị cộng hưởng và lan tỏa nhất của VNG là tinh thần khởi nghiệp và ngọn lửa “Đón nhận thử thách”.

Năm 2014, VNG được World Startup định giá hơn 1 tỷ USD. 2016 và 2017 được Forbes Vietnam bình chọn là 1 trong 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Hiện VNG có 13 công ty và đang phát triển trong 4 lĩnh vực gồm phát triển game, công nghệ số, ứng dụng OTT và dịch vụ thanh toán điện tử… Đến hết 2016, tổng vốn VNG đạt hơn 3.500 tỷ đồng (chủ yếu là vốn tự có, không vay ngân hàng ). Quy mô vốn chủ sở hữu đạt 2.881 tỷ đồng, tương đương 127 triệu USD. Vốn điều lệ tăng 22 lần trong 13 năm qua từ 15 tỷ đồng năm 2004 lên 330 tỷ đồng năm 2016.

Du lịch Thành Thành Công (VNG): Doanh thu và lợi nhuận quý 2 tăng mạnh, đã hoàn thành 76 kế hoạch lợi nhuận cả năm

Bài viết mới