Xác định mô hình và cơ cấu kinh tế vùng ĐBCL
“ĐBCL được coi là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất Việt Nam, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp gần 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, 90% sản lượng gạo xuất khẩu” (TTg Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn về ĐBSCL ngày 27/6/2016).
Trước khi nói “chuyển dịch”, “tái cấu trúc”, hay “chọn mô hình” kinh tế, cần Đổi mới tư duy, nhận thức về con người và vùng đất mới – 200 năm mà nghiên cứu khoa học về nó còn quá khiêm tốn. Hiểu về quá khứ còn ngỗng – ngan, trong khi “Biến đổi khí hậu”, Chính trị và Thị trường toàn cầu diễn biến mới phức tạp khó lường, cùng với “khoa học công nghệ 4.0” – “trí tuệ nhân tạo” phát triển như vũ bão, luôn đặt ta trước những tình huống bất định! Đặc biệt về hành động, ta chưa làm được gì cụ thể để chứng minh cho những hiểu biết.
Ảnh: VietNamNet
Từ quan điểm đặc vấn đề trong toàn cục để thấy đặc điểm, mối liên hệ tiềm ẩn, tất yếu khả dĩ có thể khai thác hiệu quả làm tăng tính bền vững cho mô hình: Nước ta diện tích nhỏ, dân đông, hình thể quá dài (trên 3.200 km bờ biển), quá hẹp (nhiều chỗ rộng trên 50 km dọc suốt 4 tỉnh Trung -Trung Bộ) đặc điểm khí hậu, thủy văn có nhiều phức tạp. So với Campuchia và Thái Lan, ta có nhiều bất lợi trong phát triển kinh tế và bố trí quốc phòng – phòng thủ; Vùng lợi thế Nông nghiệp và Thủy – Hải sản gồm: ĐBSH, ĐBSCL thích hợp cây trồng ngắn ngày. Duyên hải Miền trung là nuôi trồng và đánh bắt Hải sản.
Do điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, tay nghề truyền thống của nông dân. Xác định “Mô hình kinh tế” cho ĐBCL là Nông nghiệp lúa nước, Nuôi trồng Thủy – Hải sản – Đánh bắt xa bờ, Du lịch Tâm linh – Sông nước – Hải đảo và Thương mại – Dịch vụ. Xác định “Mô hình” không có gì mới, chỉ mới hơn là thực tiễn đã làm rõ hơn cho nhận thức về: BĐKH, về liên kết vùng trên cơ sở khác dạng chớ không chỉ liên kết đồng dạng (khác dạng là tạo ra giá trị – về chất, đồng dạng là ra sản lượng – về số). Công nghiệp ĐBCL là Công nghiệp Chế biến Nông – Thủy sản, Năng lượng tái tạo, sản xuất máy và phụ tùng Nông – Ngư. Thủ tướng vừa có quyết định nâng giá mua điện năng lượng tái tạo để khuyến khích. Có thông tin, gần đây, Tỉnh Cà Mau vừa có kiến nghị Chính phủ cho rút cơ sở nhiệt điên Cái Cung ra khỏi qui hoạch điện VII trên địa bàn tỉnh, để thay bằng điện gió, nhằm an toàn cho vùng nuôi thủy sản. Là tín hiệu vui cho ĐBCL.
Nhưng ĐBSCL đang trước “Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng” đã và đang là hiện thực; các đập thủy điện thượng nguồn chặn lại phần lớn cát sỏi và một phần phù sa là nguồn bồi đấp và duy trì cao trình đất so mặt biển, càng làm cho tình trạng lún sụt tăng nhanh (2 – 4 cm/năm) do xây dựng và khai thác nước ngầm “không trật tự” góp phần; sự dồi giàu nước ngọt sông Mêkông xưa là lợi thế nay không còn. Đây là đặc điểm có tính chất “dấu ấn” gắn với qui hoạch, kế hoạch, xây dựng hạ tầng cụ thể không được bỏ qua. Trong khi đó, nhà chức trách còn đang lúng túng, chưa có hành động ứng phó rõ ràng, ngoại trừ các cuộc “Hội thảo” với những “kịch bản”.
Nước dưới sông mặn chát nên bơm vào ruộng lúa khô héo, chết dần ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: VietNamNet
Giải pháp cho mô hình kinh tế ĐBSCL được xác lập
Tán thành ý kiến TS Tô Văn Trường: “Ở ĐBSCL phải thống nhất ở cấp lưu vực sông. Lấy nước và đất làm cơ sở, rồi từ đó xét các vấn đề hạ tầng kinh tế xã hội khác. Còn nếu cứ quy hoạch theo kiểu mạnh ai nấy làm thì tiếp tục tan nát đồng bằng”. Do đó, tôi đề nghị nghiên cứu nhập Tổng cục Thủy lợi vào Bộ TN-MT để thống nhất quản lý hành chánh và khoa học kỹ thuật chuyên ngành nước và đất, trong đó có nước cho nông nghiệp, nước cho công nghiệp và cả nước cho sinh hoạt, tránh tình trạng “hai bộ cùng với…” đang có kẻ hỡ.
Bên cạnh đó, mở rộng liên kết nghiên cứu khoa học, nâng cao hiểu biết chiều sâu về một vùng đất trẻ đã “thâm canh” 200 năm nhưng vẫn còn những lõm “hoang hóa” trong sự nhận thức của chủ nhân ông của nó. Đặc biệt phải khẩn trương tiến hành khảo sát – khảo cổ nền Văn minh Óc – Eo, ngoài khía cạnh văn hóa – lịch sử, một vấn đề bức xúc cần biết, có ý nghĩa thiết thực là: Dân tộc Phù Nam là dân tộc như thế nào, tồn tại ra sao? Lãnh thổ và tổ chức đời sống người Phù Nam xưa đến đâu? Vì sao họ biến mất? Vấn đề “Biển tiến – Biển lùi” qua khảo cổ sẽ dạy cho ta bài học nào về “Sống chung với mặn”?
Và nên đầu tư giao thông Quốc lộ bằng ngân sách Quốc gia, hạn chế BOT các con đường huyết mạch không phải Quốc lộ để thể hiện trách nhiệm Nhà nước và công bằng xã hội, sòng phẳng với Nông dân, vì toàn bộ cầu đường nông thôn, hệ thống đê bao khép kín căn bản là do nông dân ĐBSCL góp sức xây dựng, trong khi đó họ đã sản xuất cứu đói, cứu nguy năm 1986 – 1989 và xuất khẩu Gạo, cá Tra, cá Basa từ năm 1989 – 2017 mang về bao nhiêu là ngoại tệ.
Thời gian trôi qua, mọi sự kiện và nhân vật gắn với sự kiện có thể bị quên, nhưng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đời sống xã hội văn minh là tài sản vô giá, là “dấu ấn” của chế độ và thời đại. Thí dụ: Thủy lợi là dấu ấn, là tiền đề vật chất cho Nông nghiệp sau 1986. Theo Viện Khoa học Thủy lợi, đến nay, toàn vùng hiện có trên 15.000 km kênh trục và kênh cấp I, gần 27.000 km kênh cấp II, khoảng 50.000 km kênh cấp III và nội đồng, 80 cống rộng trên 5m. Hệ thống chống lũ có tổng chiều dài khoảng 13.000 km, trong đó có 7.000 km bờ bao chống lũ tháng 8 để bảo vệ lúa Hè-Thu. Kinh cấp III, Bờ bao kết hợp Giao thông nông thôn với gần như toàn bộ Cầu nông thôn đều do dân làm là chủ yếu, là thành quả của Công nghiệp hóa NN-NT. Vậy, sau nó, “dấu ấn” của “Cách mạng 4.0” mà ta hay nói đang diễn ra ở đây sẽ là và sẽ để lại cái gì?
Tạo mọi điều kiện phát triển DN tư nhân tham gia xây dựng mô hình kinh tế ĐBSCL. Không giao nhiệm vụ kinh doanh cho cơ quan hoặc doanh nghiệp Nhà nước. (Vai trò lịch sử DN Nhà nước qua rồi). Nhà nước chỉ lo quản lý hành chánh, nghiên cứu khoa học – công nghệ; có chánh sách khuyến khích sản phẩm mới, tận dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, phát triển cây Dược liệu, phát triển năng lượng tái tạo; tăng thuế lên cao hoặc phạt nặng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, kể cả cơ sở sản xuất túi nhựa. Ưu đãi cơ sở sử dụng lao động tại chỗ. Tăng cường vai trò trọng tài và chế tài Nhà nước trong quản lý kinh tế – xã hội mà từ lâu bị buông lơi hoặc không làm.
Tạo sự liên kết hỗ tương, gắn bó giữa hai vùng kinh tế ĐBSCL và Thành phố HCM là liên hệ lịch sử vốn có hàng trăm năm, là quan hệ liên minh Công – Nông thời hiện đại. Đầu tư trường học, giao thông trên vùng ĐBSCL cũng chính là đầu tư trực tiếp cho Thành phố HCM và ngược lại. Quốc lộ 1 từ Bình Chánh về Cà Mau không thể nào chỉ có lợi riêng cho các tỉnh? Các trường học trong vùng đào tạo lao động trẻ không chỉ để làm Nông nghiệp cho tỉnh?
Thời gian không còn ủng hộ chúng ta. Khí hậu nóng lên, bão (cuồng phong) sẽ không lường, nước Mỹ bị 2 trận bão mới đây đã xơ xác, Việt Nam cũng không không thoát khỏi thiên tai ngày càng nặng mà sức chịu đựng (kinh tế) lại tỷ lệ nghịch với sự ấm lên của Trái đất. Giờ là lúc cả hệ thống chính trị phải cấp tập đồng lòng vào cuộc với trách nhiệm cao nhất có thể.