Khu kinh tế ở Việt Nam: “Nơi tạo cuộc đua xuống đáy”

Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ hầu hết các khu kinh tế ở Việt Nam rất giống nhau nên đây là những nơi tạo ra cuộc đua xuống đáy khốc liệt nhất.

Nhận xét trên được TS. Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nêu trong tham luận một số vấn đề về mô hình khu kinh tế ở Việt Nam.

Chiều 24/9, ông Huỳnh Thế Du cùng với nhiều chuyên gia kinh tế như TS. Trần Đình Thiên, TS. Trần Du Lịch, TS. Dương Đình Giám… đã có mặt tại Đà Nẵng để tham dự Diễn đàn Kinh tế Miền Trung lần thứ hai, do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với UBND Thành phố Đà Nẵng, Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung và VCCI tổ chức tại Đà Nẵng, sáng 25/9.

Đánh giá hiệu quả của các khu kinh tế ven biển duyên hải miền Trung: so sánh giữa mục tiêu – hiện trạng hoạt động; giữa tiềm năng – thực thi; những khó khăn trong mô hình hoạt động, cơ chế chính sách; hiến kế các giải pháp, sáng kiến tạo đột phá,…là một trọng tâm của phiên thảo luận đầu tiên tại diễn đàn.

Theo ông Huỳnh Thế Du, mô hình khu kinh tế ven biển kể từ đầu thập niên 2000 chưa đạt được kết quả như kỳ vọng nhìn trên bình diện quốc gia. Dường như không có sự khác biệt nhiều về mặt chính sách bên trong và bên ngoài hàng rào khu kinh tế, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ nên sức hấp dẫn của các khu kinh tế ở Việt Nam là không nhiều.

Ông Du nhận xét, với mô hình tổ chức hiện tại, gần như mô hình quản lý và hành chính của tất cả các khu kinh tế ở Việt Nam đều đã bị hệ thống hiện tại “đồng hóa” với các vấn đề có khi còn phức tạp hơn đối với các doanh nghiệp đầu tư bên ngoài khu kinh tế. Tình trạng này đang rất phổ biến và khả năng các khu kinh tế trở thành những khu quy hoạch treo khổng lồ là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Quyết tâm nửa vời và sự chèo kéo của các địa phương dẫn đến tình trạng đầu tư theo “mô hình quả mít” (tất cả đều là gai nhưng không có mũi nhọn nào cả), và có lẽ là vấn đề nan giải nhất hiện nay ở Việt Nam, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.

Ở góc độ địa phương, nhắc đến miền Trung, vị chuyên gia Đại học Fulbright cho rằng những gì Quảng Nam hay Quảng Ngãi đang có được là rất cám dỗ. Mỗi tỉnh hay mỗi khu kinh tế chỉ cần có một dự án hay doanh nghiệp rất lớn là mọi chuyện có thể thay đổi, nhất là về khía cạnh ngân sách.

Do vậy, nhiều địa phương sẽ tìm nhiều cách khác nhau để có được những công trình như vậy. Các địa phương ven biển có một số lợi thế thì tự thân vận động như vậy và các địa phương đã có dự án được chọn thì sẽ cố gắng triển khai. Đối với những địa phương ở những nơi bất lợi khác cũng muốn được Trung ương ưu ái để có được những dự án lớn.

Với hiện tượng như trên cộng với các chính sách thu hút đầu tư FDI ở tầm quốc gia hiện nay ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh giờ đây các ưu đãi trực tiếp như đất đai hay thuế khóa gần như đã được sử dụng hết ở các địa phương. Nói chung chẳng còn gì để ưu đãi nữa, cửa gần như đã mở toang. Cuộc chạy đua xuống đáy giữa các địa phương hay được nhắc đến từ trước đến nay, thực ra giờ đã chạm đáy nên có lẽ không phải đặt ra nữa mà câu hỏi giờ đây là bước tiếp theo sẽ như thế nào.

Đề cập chủ đề rất thời sự được đặt ra ngay trong cuộc họp của Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung chiều 24/9 là liên kết vùng, ông Huỳnh Thế Du nêu rằng, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là tính cục bộ địa phương và thiếu động cơ liên kết vùng. Một trong những nguyên nhân chính là do thành tích, việc bổ nhiệm hay thăng tiến của mỗi người lại dựa vào thành tích của địa phương chứ không phải kết quả cả vùng. Tất cả các vấn đề liên quan chỉ được giới hạn trong các địa giới hành chính. Hiện tại đang thiếu vắng những đối tượng hay đối tác có lợi ích rõ ràng từ việc liên kết vùng chưa có mặt trong quá trình bàn thảo và ra quyết định.

Chìa khóa của liên kết, theo vị chuyên gia này chính là cơ chế phân chia lợi ích và trách nhiệm của các bên liên quan một cách thực chất để tạo động cơ khuyến khích.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo tỉnh, Bộ, ngành và hơn 500 doanh nghiệp cùng giải bài toán xung đột lợi ích của miền Trung

Bài viết mới