Hà Nội những ngày nắng tháng Tám rám quả bưởi, dạo quanh một vòng phố Hàng Mã đã thấy ngập sắc màu cờ hoa, đèn quạt, đồ chơi rực rỡ. Chỉ lướt qua thôi cũng có thể cảm nhận được không khí Tết Trung thu đã rộn ràng, không chỉ đối với trẻ nhỏ mà đối với cả những người đã từng đi qua tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm.
Thế nhưng, ngắm nhìn thật lâu những thứ đồ chơi công nghiệp như súng nhựa, búp bê, rô bốt, con quay spinner, mặt nạ kinh dị, đèn lồng tua rua… được các chủ tiệm bày bán mới nhận ra rằng, những thứ đồ chơi ấy dù có long lanh đến đâu cũng không đem lại cho mình một cảm giác thân thuộc, gần gũi đã từng.
Chỉ đến khi nhìn thấy những chiếc đèn ông sao năm cánh, những chiếc trống bỏi, trống quân, với những hàng tò he được xếp ngay ngắn ở một góc quầy thì cả một trời thương nhớ cứ thế ùa về. Ở Hà Nội thì chẳng còn mấy làng còn làm đồ chơi Trung thu, nhưng ở làng Hảo (thôn Ông Hảo, Yên Mỹ, Hưng Yên), cách Hà Nội chưa đầy 100km, ta sẽ có cảm giác như vừa bước qua cánh cửa thần kỳ của Doremon trở về trước đến 2 thập kỷ.
Và ở nơi đây, chúng ta có thể cảm nhận thấy được hết giá trị của những sản phẩm đồ chơi truyền thống được ông cha gìn giữ và lưu truyền suốt hàng trăm năm qua.
Làng Hảo là ngôi làng có nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống hàng trăm năm tuổi, được hình thành và phát triển từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước.
Trước kia, làng chủ yếu làm trống nhưng vài năm trở lại đây, người dân còn phát triển thêm một số loại khác như đèn ông sao, mặt nạ, đầu sư tử, đèn kéo quân…
Nhưng sau cùng, thứ “đặc sản” mà nơi đây được nhiều người biết đến nhất chính là những chiếc trống Trung thu với đa dạng kích cỡ.
Tất cả những sản phẩm ở đây đều được làm thủ công với rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, cả thời gian, mồ hôi và tâm huyết của các nghệ nhân.
Cô Vũ Thị Là, một nghệ nhân trong làng kể, cách đây vài năm, khi đồ chơi ngoại nhập lên ngôi, làng Hảo trở nên trầm buồn khi những sản phẩm làm ra không còn được ưa chuộng. Thời điểm đó, nhiều hộ gia đình đã quyết định từ bỏ nghề này để tìm kiếm một công việc khác tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn. Có năm, cả làng chỉ còn vài hộ dân là kiên cường nối nghiệp.
Thế rồi vài năm đổ lại đây, làng Hảo lại trở về với không khí rộn ràng của một làng nghề thủ công, với truyền thống gìn giữ và phát huy nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc qua những moan đồ chơi Trung thu đậm chất dân gian. Với những đơn đặt hàng từ khắp các tỉnh thành đổ về, người dân làng Hảo nhanh chóng lấy lại khí thế và làm việc hăng say, không biết mệt mỏi để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.
Làng Hảo giờ đây có khoảng 15 – 20 hộ làm nghề, mỗi hộ lại có tới hàng chục nhân công ra sức làm việc để đảm bảo được khối lượng sản phẩm đồ sộ cần sản xuất.
Để có thể cho ra nhiều sản phẩm hơn, chất lượng hơn, chuyên môn hóa cũng được các hộ dân ở đây tích hợp đưa vào sản xuất. Mỗi người làm chia nhau một công đoạn khác nhau từ xẻ gỗ, làm khuôn, sơn, bưng trống…
Theo chia sẻ của anh Vũ Huy Tự, một nghệ nhân trung tuổi, nguyên liệu quan trọng nhất để làm trống chính là gỗ đề và da trâu. Gỗ đề sau khi mua về được cắt ra thành từng đoạn một, sau đó cho vào máy tiện để tiện thành những hình tròn (chính là thân trống). Da trâu được cạo lớp phôi thật mỏng rồi đem phơi khô.
Công đoạn để làm ra những chiếc trống cũng khá cầu kỳ, đòi hỏi không chỉ sự khéo tay, cần cù mà còn tỉ mẩn của mỗi thợ làm nghề.
Sau khi mua về, những cây gỗ được cắt thành từng khuôn đều tăm tắp, xếp chồng tại một góc sân mà không sợ nắng mưa gió bấc.
Cô Là chia sẻ, trước khi được đưa vào tiện thành tang trống, những khoanh gỗ này đều phải được căn tâm cho chính xác, những phần thừa, méo mó sẽ được đẽo bớt đi. Bước này cũng sẽ giúp người tiện có thể làm nhanh, dễ dàng hơn.
Khi đưa vào máy tiện, mỗi khúc gỗ tròn như thế này có thể chế biến được tiện thành 5 chiếc tang trống với kích cỡ to nhỏ khác nhau.
“Mình phải khéo tay, căn chỉnh lưỡi cưa cho thật chuẩn, nếu không thì hỏng hết, tang chỗ dày chỗ mỏng thì không sử dụng được” – anh Tự cho biết.
Sau khi tiện, những tang trống này được đem phơi dưới nắng cho thật khô.
Tiếp theo, với những tang trống đã khô cong, nghệ nhân ở đây sẽ sơn một lớp sơn đỏ lên bề mặt. Rồi lại tiếp tục đem phơi dưới nắng.
Sau những công đoạn trên, bước cuối cùng là bưng trống. Đây cũng là một công đoạn đòi hỏi những đôi bàn tay cực khéo léo, vừa có sức mạnh, lại vừa uyển chuyển. “Nếu bưng da quá căng, trống kêu không tròn tiếng. Còn nếu da quá chùng thì sản phẩm sẽ nhanh hỏng”, cô Là nói. Chính vì thế, cứ mỗi tí, người thợ lại phải dung khuỷu tay để thử độ đàn hồi.
Để bưng trống, ngoài nguyên liệu là da trâu, người dân ở đây còn sử dụng những vật dụng chuyên biệt.
Mỗi tấm da đều được căn chỉnh chuẩn từng minimet trước khi dùng móc xiên để cố định.
Trong khi làm, các nghệ nhân phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo độ đàn hồi cần thiết.
Trống được bưng xong sẽ được sơn tiếp một lớp sơn bóng trên bề mặt.
Sau đó, người ta đóng quai hai bên trước khi đem đóng bao bì và vận chuyển đi khắp mọi nơi.
Thông thường, trong quá trình làm trống, mỗi nghệ nhân đảm nhiệm một bước khác nhau nên chẳng thể hỏi được thành quả mỗi ngày của họ ra sao. Chỉ biết rằng, cứ đến mùa vụ, mỗi gia đình có thể làm được hơn 6.000 sản phẩm. Giá của chúng cũng tùy theo kích cỡ, trung bình từ 10 – 50 nghìn đồng. Những ngày bình thường nhàn rỗi, thu nhập của những hộ dân ở đây cũng chỉ túc tắc đủ ăn, ai cũng mong chờ đến những ngày lễ, nhất là Trung thu. Bởi, dù có bận bịu đến tối mặt mũi cũng chẳng nề hà. Hơn nữa, có lại là cái nghề truyền thống, được làm nghề với họ đã là một điều đáng tự hào.
Thêm một điều bất ngờ nữa bạn có thể sẽ ngạc nhiên nếu đến làng Hảo, đó chính là sự ngây thơ đáng yêu của những đứa trẻ con. Sinh ra và lớn lên tại làng nghề trăm tuổi, khiếu khéo léo, tinh tế nghệ nhân bẩm sinh đã ăn sâu vào máu. Chúng có thể không làm những việc nặng nhọ nhưng chúng cũng sẽ biết một vài công đoạn nhẹ nhàng giúp đỡ cho ông bà, bố mẹ.
Và rồi đây, khi xu hướng tìm về những giá trị văn hóa cổ xưa đang được phát triển, làng Hảo sẽ là một trong những địa điểm du lịch trải nghiệm thú vị, nhất là đối với trẻ em. Làng Hảo giờ đây, cứ mỗi dịp cuối tuần là lại có nhiều gia đình, thầy cô đưa con em, học sinh của mình tới để tham quan, khám phá. Mỗi khoảng sân rộng phía trước mỗi hộ gia đình chính là nơi để bọn trẻ có thể cảm nhận được phần nào không khí tuổi thơ của chính bố mẹ, ông bà đã từng.
Dù ít tuổi, nhưng những em bé làng Hảo luôn chịu khó học hỏi, chăm chú theo dõi đôi bàn tay của ông bà, bố mẹ.
Ở làng Hảo, mỗi khoảng sân trống trước nhà giờ đây đều biến thành nơi học tập, trải nghiệm của học sinh đến từ khắp mọi nơi.
Rời làng Hảo và cầm trên tay một vài sản phẩm thủ công làm quà, mùi gỗ, mùi sơn vương vấn trên tóc chắc chắn sẽ khiến bạn phải tìm cách trở về thêm một vài lần nữa. Và cứ yên tâm rằng, đã là truyền thống, là bản sắc văn hóa thì nơi này sẽ không bao giờ bị mai một, như lời khẳng định chắc lịch từ cô Vũ Thị Là – người nghệ nhân chúng tôi đã gặp trong cuộc hành trình: “Đã là nghề truyền thống thì không thể mai một đi được!”.