Ngày càng nhiều con chó ngao Tây Tạng bị bỏ rơi
Thú vui chơi chó ngao Tây Tạng nở rộ ở Trung Quốc khoảng 10 năm về trước và việc sở hữu một chú chó thuần chủng nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực và địa vị. Thế nhưng, cùng với sự phát triển đô thị và du nhập các thú vui mới, năm 2013, hàng ngàn con chó ngao bị “thất sủng” và đẩy ra đường để “tự sinh tự diệt”.
Trong bộ phim tài liệu dài 20 phút về cuộc sống của những chú chó bị bỏ rơi mới đây, người ta có thể thấy hàng trăm con chó ngao to lớn đang chen chúc trong một tu viện, chờ được phân phát thực ăn.
Tuy nhiên, đây chỉ là một số nhỏ may mắn được thu thập và đưa về. Ngày càng có nhiều tu viện và người dân địa phương ở tỉnh Thanh Hải lập nên các cơ sở chăm sóc thú bỏ rơi như vậy, sau khi thú vui nuôi chó ngao suy thoái.
Tính riêng ở châu tự trị Golog thuộc Thanh Hải, có đến 14.000 con chó hoang. Thủ phủ Lhasa của Tây Tạng cũng có khoảng 13.000 con chó hoang, tính đến năm 2015. Một cơ sở chăm sóc 2.000 con chó hoang vào năm 2013 nay đã phải tiếp nhận đến 7.000 con.
Ông Yin Hang, nhà sáng lập tổ chức Gangri Neichog – tổ chức phi lợi nhuận giúp thực hiện bộ phim, cho biết tình trạng này phần nhiều là do nền kinh tế nuôi chó ngao ở Tây Tạng. Với mong muốn kiếm được nhiều tiền, họ tìm cách nhân giống cho ngao càng nhiều càng tốt .Và rồi cuộc khủng hoảng xảy ra năm 2013 khiến tất cả số chó này bị đẩy ra ngoài đường không thương tiếc.
Từng là một thú vui vương quyền
Trước đây khoảng 10 năm, khi nuôi chó ngao còn là một biểu tượng vương quyền thì một chú chó ngao Tây Tạng thuần chủng có thể lên tới giá 2.4 triệu USD (năm 2014). Cũng từng có chú chó được một phụ nữ mua với giá 600.000 USD và đón rước bằng đoàn xe 30 chiếc tới sân bay. Những con số đó đủ cho thấy một thời ‘hoàng kim’ của những chú chó ngao.
Không bỏ lỡ thời cơ làm giàu này, rất nhiều người nuôi chó ở Thanh Hải và Tây Tạng đã đầu tư thật nhiều vào nguồn chó giống. Tuy nhiên, cái họ nhận lại chỉ là sự thất vọng.
Theo ông Zhou Yi, Tổng thư ký Hiệp hội chó ngao Tây Tạng tại Thanh Hải, chỉ có khoảng 4-5 cơ sở kinh doanh có thể thu về 1.5 triệu USD trong giai đoạn cực thịnh. Đến năm 2015, số lượng cơ sở kinh doanh đã giảm xuống còn 1/3 (tức là khoảng 1.000 cơ sở). Giá của một chú chó cũng giảm từ khoảng 300.000 USD xuống dưới 1.500 USD.
Nghề kinh doanh tàn nhẫn
Nhiều người mua chó về rồi mới phát hiện ra kích thước khổng lồ của loài chó này không hề thích hợp với những khu vực thành thị, trong các căn hộ chung cư vừa và nhỏ. Không những thế, vì lợi nhuận, họ mua chó về để sinh đẻ kiếm lấy tiền là chính. Dã man hơn, họ cố tình cho lai giống với những loài chó khác để con F1 trông bắt mắt hơn, điều này khiến nhiều chú chó gặp vấn đề do bị rối loạn gen.
Ông Samdrup, một người du mục chuyên buôn chó ngao Tây Tạng hồi những năm 2005-2006 từng nuôi ước mơ làm giàu từ chính những con chó to lớn này. Tuy nhiên khi bán 5 con chó cho một doanh nhân từ Lan Châu, ông mới vỡ lẽ. Doanh nhân này có khoảng 60 con chó ngao trong nhà, nhưng phần lớn là để giết thịt. Chỉ một số ít có giống tốt mới được giữ lại.
Ông từng chứng kiến một con chó bị đánh bằng búa, treo lên móc câu và bị lột da khi nó vẫn còn sống. Chính những hình ảnh này đã khiến cho Samdrup tỉnh ngộ. Ông bỏ nghề bán chó, tình nguyện trở thành một người giải cứu động vật, đặc biệt là các chú chó ngao Tây Tạng.
Dù cho những chú chó bị bỏ rơi rất đáng thương nhưng chúng cũng đem lại mối nguy hiểm cho người dân địa phương và những loài động vật hoang dã khác. Các trung tâm chăm sóc cũng có hạn chế nhất định, người theo đạo Phật ở Tây Tạng thì không muốn giết hại động vật. Do đó, điều tốt nhất bây giờ các tổ chức phi lợi nhuận có thể làm chỉ là kêu gọi người dân cưu mang đàn chó, hỗ trợ các trung tâm chăm sóc nếu có thể.