Trừng phạt Triều Tiên thành chiến tranh kinh tế

Nhận định nêu trên của báo The Wall Street Journal (Mỹ) được đưa ra trong bối cảnh Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 23-9 tuyên bố hạn chế xuất khẩu sang Triều Tiên một số mặt hàng xăng dầu (từ ngày 1-10) và khí thiên nhiên hóa lỏng (ngay lập tức). Chưa hết, Trung Quốc còn ngừng mua hàng dệt may từ nước láng giềng.

Theo nghị quyết trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc – nhằm vào cả hàng dệt may và xăng dầu, Trung Quốc vẫn có thể xuất khẩu tối đa 2 triệu thùng dầu tinh chế/năm cho Triều Tiên (ước tính nhu cầu của Triều Tiên là 2,2 triệu thùng/năm). Trong 2 tháng qua, giá xăng ở Triều Tiên đã tăng khoảng 20%. Lệnh cấm hàng dệt may – nguồn xuất khẩu lớn thứ hai của Triều Tiên – sẽ khiến nước này thiệt hại hơn 700 triệu USD/năm, theo đài BBC.

Một nhà máy dệt ở thủ đô Bình Nhưỡng - Triều Tiên Ảnh: REUTERS

Một nhà máy dệt ở thủ đô Bình Nhưỡng – Triều Tiên Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, dù đang có cuộc khẩu chiến nóng bỏng với ông Kim Jong-un song theo tờ The New York Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn con đường gây áp lực kinh tế thay vì giải pháp quân sự. Hôm 21-9, ông ký một sắc lệnh hành chính với mục tiêu cắt đứt hoàn toàn Triều Tiên khỏi hệ thống ngân hàng thế giới.

Cụ thể, bất cứ định chế tài chính nào làm ăn với Bình Nhưỡng cũng sẽ mất quyền tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ. Động thái trừng phạt này cộng với thông báo các ngân hàng Trung Quốc ngừng xử lý các giao dịch liên quan tới Triều Tiên từ ngày 18-9 càng siết chặt Bình Nhưỡng.

Theo The New York Times, Nhà Trắng hy vọng việc bị cô lập nhiều hơn sẽ khiến Triều Tiên chịu đối thoại. Lập luận này không nhận được sự đồng tình từ các chuyên gia của 38north.org, trang web chuyên nghiên cứu về Triều Tiên. Trang này cho rằng sắc lệnh hành chính mới nhất của Tổng thống Donald Trump không còn là trừng phạt mà đã trở thành lời tuyên chiến đơn phương về mặt kinh tế để khuất phục Triều Tiên.

“Thay vì đưa Bình Nhưỡng đến bàn đàm phán, các biện pháp mới nhất của Mỹ sẽ tăng tốc chiến tranh và thậm chí làm sụp đổ chính quyền Triều Tiên” – trích phân tích trên 38north.org.

Đáng nói là khả năng Triều Tiên nhượng bộ có vẻ rất thấp, nếu xét theo các tuyên bố mới đây của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hôm 22-9, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho nói nước này đang cân nhắc thử bom nhiệt hạch (bom H) ở Thái Bình Dương – một kịch bản đáng sợ với những tác hại khủng khiếp đến con người và môi trường sinh thái.

Triều Tiên bị trừng phạt, nền kinh tế các tỉnh biên giới Trung – Triều lao đao

Bài viết mới