Vụ mua thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam: Cuộc chiến giữa Tài chính và Cảm tính

Khi phản ánh về những điều khó hiểu trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), NSND đạo diễn Thanh Vân cho rằng, việc Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) chỉ phải bỏ ra chưa đến 33 tỷ đồng để mua 65% cổ phần là quá rẻ. Bởi lẽ VFS đang nắm quyền thuê 4 khu đất vàng ở Hà Nội và TPHCM, chưa kể giá trị thương hiệu của VFS với gần 400 bộ phim truyện từ gần 60 năm thành lập.

Câu chuyện định giá thương hiệu VFS là 0 đồng trong quá trình cổ phần hóa cũng dấy lên nhiều tranh cãi. Bởi lẽ trong khi các nghệ sĩ cho rằng điều này không hợp lý thì Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch khẳng định việc định giá là đúng quy định của Bộ Tài chính vì hãng phim liên tục làm ăn thua lỗ trong những năm gần đây. Vậy thực tế là thương hiệu VFS cùng với nhiều nghệ sĩ tài năng của hãng phim có thể được định giá bao nhiêu?

Trao đổi với chúng tôi, một nhà đầu tư sản xuất phim Việt Nam chia sẻ: “Giữa giá trị mang tính truyền thống và lịch sử của VFS và giá trị thị trường – điều có thể đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư là rất khác nhau. Vì thế, việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho VFS dựa trên giá trị thương hiệu sẽ rất khó. Còn nếu mua liên quan đến đất đai sẽ không phải là mục tiêu của những người đầu tư cho điện ảnh”.

Vị này nêu một dẫn chứng, sản phẩm được coi là quan trọng nhất với VFS trong những năm gần đây là “Sống cùng lịch sử” – bộ phim được Nhà nước đầu tư lớn với kinh phí lên tới 21 tỷ đồng (năm 2014). Thế nhưng, khi đưa ra rạp chiếu thì bộ phim liên tục bị hủy suất chiếu vì không có khách mua vé hoặc chỉ có 2-3 người mua.

Bình luận về nhận định liên quan đến thương hiệu và giá trị lịch sử VFS của Tiến sĩ Quách Mạnh Hào (một chuyên gia chứng khoán có tiếng), doanh nhân này nói: “Nếu mang tên của đạo diễn Charlie Nguyễn, Victor Vũ hay diễn viên Thái Hoà để quảng bá cho một bộ phim thì cơ hội thành công tăng. Còn với thương hiệu VFS thì chúng tôi không dám chắc dù tôi không phủ nhận những giá trị to lớn mang tính lịch sử của VFS”, doanh nhân này chia sẻ.

Trước đó, ông Quách Mạnh Hào viết trên trang cá nhân: “Lịch sử và tên tuổi của Hãng Phim truyện Việt Nam là không thể bàn cãi. Nếu một hãng phim tư nhân cần một ‘lịch sử’, họ đang có cơ hội lớn”.

Doanh nhân này kết luận: “Cái gốc của câu chuyện là VFS đã trao gửi số phận cho một ông chẳng quan tâm đến việc làm phim. Thực tế là chẳng ông nào đầu tư cho điện ảnh một cách nghiêm túc muốn nhảy vào cái nơi đó cả. Khi cổ phần hoá, giá trị thương hiệu bằng 0 của VFS bị coi là vô lý nhưng đem bán với giá khác 0 thì ai mua? Không có người quan tâm đến thương hiệu và sử dụng nhân sự thì sẽ có người quan tâm đến đất đai thôi cũng là điều bình thường. Hiện tại, việc để một công ty vận tải đường thuỷ điều hành hãng phim thì số phận của các dự án điện ảnh cũng… trôi theo đường thuỷ cũng không có gì khó hiểu lắm”.

Một doanh nhân khác là cổ đông quan trọng của một cụm rạp nổi tiếng, đã đầu tư nhiều bộ phim điện ảnh bình luận về giá trị thương hiệu của VFS cũng như nhân sự tại đây: “Các tuyệt phẩm quá khứ của hãng không còn độc quyền; các nghệ sĩ thì được đi làm ngoài theo hợp đồng thoải mái. Cơ sở vật chất nhìn qua ảnh thì thấy như canteen thập kỷ 60”. Doanh nhân này kết luận: “Vậy thì thứ duy nhất có giá trị là là hợp đồng thuê đất vị trí ‘vàng’ với Nhà nước”.

Ông này ví vụ tranh chấp của Vivaso và các nghệ sĩ của VFS là cuộc chiến giữa Tài chính và Cảm tính. Doanh nhân này bình luận: “Cảm tính và Tài chính sẽ luôn là đồng sàng dị mộng. Tranh cãi chỉ làm chàng và nàng thêm xấu và là trò cười thiên hạ!”.

Bài học từ bi kịch mua thâu tóm Hãng phim truyện Việt Nam

Bài viết mới