92% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam tự tin vào tiềm năng tăng trưởng trong năm 2018

Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút đầu tư nước ngoài. Cái tên Việt Nam đứng đầu trong danh sách 10 nền kinh tế trong APEC có mức tăng ròng đầu tư nước ngoài cao nhất trong năm sau, hơn cả Trung Quốc, Indonesia và Hoa Kỳ. 47% các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong 12 tháng tới.

10 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong năm 2018. (Nguồn: PwC)
10 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất trong năm 2018. (Nguồn: PwC)

So với năm 2016, 36% các CEO tỏ ra lạc quan hơn với việc ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới, tham gia một lĩnh vực kinh doanh mới và khả năng tăng lợi nhuận biên ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, có đến 26% tỏ ra ít lạc quan về việc tìm kiếm và giữ chân nhân lực cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu.

Các CEO cũng bày tỏ lo lắng đối với việc gia tăng các rào cản trong quá trình hội nhập vào nền thương mại toàn cầu. Trong đó có các rào cản về tuyển dụng lao động nước ngoài, cung cấp hoặc tiếp nhận dịch vụ qua biên giới, đầu tư nước ngoài, các hiệp định thương mại bị trì hoãn.

Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố then chốt

Theo các giám đốc, xây dựng lực lượng lao động phù hợp cho tương lai là một trong những yêu cầu quan trọng nhất. Các CEO cho biết họ đang đầu tư vào tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Điều này đòi hỏi lực lượng lao động trong tương lai cần tăng khả năng phân tích, thông minh hơn và giảm tập trung vào những công việc đơn giản.

Bà Trương Thị Lê Khanh, Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Vĩnh Hoàn cho biết: “Chúng ta phải đào tạo lực lượng lao động thích nghi và sử dụng được các công nghệ mới. Chúng ta cần xây dựng một kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị nhân lực cần thiết để thực hiện những ý tưởng kinh doanh mới và thích nghi với cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là vấn đề mà chúng tôi quan tâm nhất hiện nay”.

Các CEO của Việt Nam tin rằng các nền kinh tế APEC cần có nhiều hành động cụ thể hơn nữa để giúp công nhân thích nghi tốt hơn với tự động hóa. Kết quả khảo sát cho thấy các CEO của Việt Nam đánh giá việc doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo và Nhà nước đầu tư vào hệ thống giáo dục là những phương thức hiệu quả nhất giúp nhân lực sẵn sàng cho những thay đổi sắp tới.

Ông Uday Shankar Sinha, Giám đốc điều hành và Tổng giám đốc của Suntory PepsiCo Vietnam, cho biết Việt Nam có một lực lượng lao động tuyệt vời nhờ dân số trẻ. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ là quốc gia sản xuất các sản phẩm có giá trị thấp. Để có thể làm ra các sản phẩm có giá trị cao thì Việt Nam nên tập trung củng cố kiến thức, kĩ năng cho lực lượng lao động.

Khảo sát lãnh đạo doanh nghiệp năm 2017 do PwC thực hiện dựa trên việc khảo sát 1.412 lãnh đạo doanh nghiệp APEC, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Thấy gì từ nghịch lý năng suất lao động thấp và thâm dụng vốn cao của doanh nghiệp Việt Nam?

Bài viết mới