Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cổ phiếu ngành ngân hàng được đánh giá là khả quan trong năm 2018 nhờ hoạt động tín dụng được kỳ vọng tăng trưởng tốt, nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức yếu kém được đẩy nhanh…
Bên cạnh đó, dự kiến hơn 9 ngân hàng sẽ niêm yết trong thời gian tới sẽ mang lại sức hấp dẫn cho nhóm cổ phiếu ngành này. Cụ thể các ngân hàng dự kiến lên sàn gồm Techcombank, Maritimebank, Tpbank, Seabank, OCB, ABBank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank.
Cũng theo Công ty chứng khoán này, kết quả kinh doanh lõi năm 2018 được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh các hoạt động ngoài lãi, mảnh đất nhiều tiềm năng mà các ngân hàng Việt chưa khai thác hết. Tín dụng năm 2018 được dự đoán có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 17-19% nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt từ 6.5-6.8% và việc nới room sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% lên 45% trong năm 2018.
Tín dụng tiêu dùng tăng đến 59% trong năm 2017 và được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhanh. Xu hướng này không chỉ đến từ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang hướng tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân của các ngân hàng quốc doanh, mà còn đến từ việc đẩy mạnh kinh doanh tài chính tiêu dùng của các ngân hàng thương mại như VPbank, HDbank và mới đây là MBB và SHB.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) có khả năng sẽ thay đổi mô hình ngân hàng truyền thống. Các NHTM giờ không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn với các công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng (dịch vụ thanh toán, dịch vụ cho vay ….). Điều này, không chỉ gây áp lực làm giảm khả năng sinh lời và tăng trưởng của các ngân hàng mà còn đòi hỏi bản thân ngân hàng không ngừng thay đổi, cập nhật công nghệ, dịch vụ mới để phục vụ đa dạng nhu cầu của các đối tượng khách hàng. Chiến lược hợp tác hay cạnh tranh với các công ty công nghệ, do đó sẽ tác động đến mô hình kinh doanh và lợi nhuận của các ngân hàng.
Ngoài ra, Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 12/02/2018 sẽ đem lại một số thuận lợi cho ngành ngân hàng. Cụ thể, thông tư nới rộng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm 2018 từ mức 40% lên mức 45% (theo thông tư 36 là 40%). Sau đó, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 40% từ năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Điều này sẽ tạo thêm nguồn lực cho vay trung, dài hạn cho các ngân hàng, đồng thời, nhóm vay bất động sản, xây dựng và tài trợ dự án sẽ là những đối tượng hưởng lợi chính từ sự mở rộng này. Đây cũng phân khúc khách hàng và kỳ hạn có mức lãi suất cao hơn, do vậy, kỳ vọng cải thiện NIM trong ngắn hạn cho các ngân hàng.
Hoạt động của các ngân hàng được đánh giá lành mạnh hơn khi tuân thủ những quy định khắt khe của thế giới. Việc tăng vốn theo yêu cầu của Basel II sẽ làm tăng quy mô, trọng số của nhóm cổ phiếu ngành này trong rổ thị trường. Nghị quyết xử lý nợ xấu và chỉ thị 06 đã được thông qua tạo hành lang hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu dứt điểm và nhanh hơn. Đồng thời Luật sửa đổi các TCTD chính thức có hiệu lực từ 15/01/2018 giúp phát hiện và xử lý sớm các ngân hàng có vấn đề, đảm bảo thanh khoản và lành mạnh hệ thống. Dù việc cho phép phá sản ngân hàng có thể làm dấy lên các quan ngại về rủi ro hệ thống, song BSC cho rằng các bước đi này sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng. Lộ trình áp dụng Basel II từ năm 2020 hướng các ngân hàng đến nhóm các hoạt động có mức độ rủi ro thấp hơn, nâng cao năng lực về vốn cho ngân hàng…
Theo nhận định của BSC, so với khu vực, mức định giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng Việt Nam ở mức tương đối cao. Trung vị P/E và P/B của nhóm cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam lần lượt là 20,62 lần và 1,54 lần khi đó, chỉ số tương ứng ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương là 11,9 và 1 lần.