Ở đất nước Thụy Điển xa xôi – nơi được coi là một trong những quốc gia gần-như-hoàn-hảo, cha mẹ Thụy Điển có những triết lý nuôi dạy con trẻ tưởng chừng khá kỳ lạ với nhiều quốc gia khác.
Những triết lý nuôi dạy con của người Thụy Điển đã tạo nên những đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh và biết thích nghi với mọi hoàn cảnh sống (Ảnh minh họa).
1. Nuôi dạy con “vừa đủ”
Trong tiếng Thụy Điển, có một từ đặc biệt miêu tả tinh thần của dân tộc Thụy Điển: “lagom” – không quá nhiều, không quá ít, vừa đủ. Ý thức hệ “lagom” đã ăn sâu bén rễ vào mọi hoạt động của người Thụy Điển, bao gồm cả việc nuôi dạy con trẻ.
Cha mẹ Thụy Điển dù rất yêu con nhưng thường rèn cho con thói quen đi ngủ sớm lúc 7-8 giờ tốiđể cha mẹ có thời gian dành cho nhau và cho riêng mình. Họ biết yêu con vừa đủ.
Những thầy cô, cha mẹ Thụy Điển mong muốn con có thời gian chơi, ra ngoài trời và vận động thể thao. Họ chỉ mong con họ học vừa đủ. Thông thường, buổi học chiều của hầu hết học sinh Thụy Điển kết thúc lúc 2 giờ 30 phút.
2. Cho con ngủ ngoài trời dù nhiệt độ xuống âm độ
Thậm chí trong mùa đông lạnh giá khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nhiều cha mẹ ở Thụy Điển đặt đứa con được mặc quần áo và đắp chăn ấm trong xe đẩy ở ngoài trời để ngủ. Theo họ, cách ngủ này giúp trẻ nhỏ ngủ lâu hơn và sâu hơn và không khí lạnh giá, trong lành giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ miễn dịch của trẻ.
Trẻ em Thụy Điển thường xuyên được cha mẹ để ngủ ngoài trời trong thời tiết lạnh giá (Ảnh minh họa)
3. Trẻ nhỏ chơi ngoài trời dù đang mưa tuyết
Ngạn ngữ Thụy Điển có câu: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không đủ”. Cha mẹ Thụy Điển cho con trẻ vui chơi ở ngoài trời dù thời tiết nắng ráo hay mưa tuyết. Nhiều trường mẫu giáo ở Thụy Điển cho phép học sinh ra ngoài và chơi đùa ít nhất 1 giờ đồng hồ mỗi ngày dù trời đang mưa, tuyết.
Khi đó, học sinh Thụy Điển sẽ mặc đầy đủ các loại trang phục giữ ấm, từ găng tay, mũ len đến quần dài, áo khoác dày. Mỗi trường học đều được trang bị máy sấy quần áo mùa đông có kích thước bằng cái tủ lạnh. Khi cha mẹ đến đón lúc cuối ngày, trẻ nhỏ lại xuất hiện trong những món đồ trang phục khô ráo, ấm áp.
Trẻ em Thụy Điển vui chơi ngoài trời mỗi ngày, dù trong trời mưa tuyết (Ảnh minh họa)
Trong các trường tiểu học ở Thụy Điển, học sinh thậm chí còn không chơi ở trong nhà trong thời gian giải lao giữa các tiết học. Và bởi giờ nghỉ trên lớp chiếm tới khoảng 20% thời gian một buổi học mỗi ngày nên học sinh tiểu học có khá nhiều thời gian để vui chơi ngoài trời.
Những sân chơi trẻ em rất đa dạng và rộng khắp Thụy Điển.
Hệ thống sân chơi ở Thụy Điển rất đa dạng và rộng khắp. Chính quyền nhiều thành phố lớn thậm chí còn phát triển một ứng dụng điện thoại giúp cha mẹ Thụy Điển tìm kiếm và định hướng tất cả các sân chơi trong thành phố.
4. Cha mẹ không ngăn cấm trẻ tham gia hoạt động mạo hiểm
Một trong những điểm khác biệt rõ nét nhất giữa phương pháp giáo dục ở Thụy Điển và quốc gia khác là việc cha mẹ Thụy Điển tạo không gian thoải mái cho trẻ tham gia các hoạt động mạo hiểm ngay từ khi trẻ học mẫu giáo như đạp xe ở đường lớn, trèo cây, bơi lội…
Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của UNICEF, Thụy Điển là quốc gia có tỷ lệ trẻ nhỏ chấn thương thấp nhất thế giới.
5. Trường mẫu giáo không dạy trẻ học đếm, học đọc, học viết
Trẻ nhỏ Thụy Điển bắt đầu học mẫu giáo khi 6 tuổi (khối 0). Trẻ nhỏ học khối 0 được phép nghỉ 1-2 ngày mỗi tuần bởi đây được coi là năm chuyển tiếp trước khi trẻ thực sự đi học khi 7 tuổi. Khác với các trường mẫu giáo ở nhiều quốc gia nơi trẻ nhỏ phải học đếm, học viết, học đọc các từ đơn giản, hệ thống mẫu giáo ở Thụy Điển luôn hướng tới tạo cho trẻ điều kiện và cơ hội vui chơi, khám phá thiên nhiên, xây dựng tình bạn và tìm hiểu về công bằng giới tính.
Ở độ tuổi này, trẻ em Thụy Điển có rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời từ những chuyến thám hiểm các khu rừng và du lịch tới các bãi biển và vui chơi với thiên nhiên. Thậm chí, mỗi đứa trẻ bước vào lớp đều được chào đón bằng giai điệu nhạc du dương cùng một ngọn nến đặt trên bàn.
6. Hệ thống giáo dục không phân biệt giới tính
Trẻ em gái không bị phân biệt ở nhiều trường học của Thụy Điển.
Điều đặc biệt nhất trong hệ thống giáo dục của Thụy Điển là nhóm các trường học “trung lập” về giới tính. Tại đây, thầy cô giáo không gọi học sinh là “bạn nam” hoặc “bạn nữ”; sách báo và đồ chơi được chọn lựa cẩn thận để tránh tình trạng chuyên biệt hóa cho một giới tính; trẻ em trai và trẻ em gái cùng được giáo dục trong một môi trường nhất quán. Trẻ em gái có thể chơi khúc côn cầu, bóng đá và đôi lúc trong cùng một đội với các bạn nam. Ở đất nước này, trường học thậm chí còn bị cấm không được tổ chức các lớp học dành cho hai giới tính riêng biệt.
7. Người đàn ông tự hào khi chăm sóc con cái
Ở Thụy Điển, công việc nội trợ được phân chia bình đẳng giữa vợ và chồng trong hầu hết các gia đình. Nhiều ông bố tỏ ra rất tự hào khi được tự tay chăm sóc con cái: quấn tã cho con, bón cho con từng thìa sữa chua ở sân chơi và đón con sau mỗi buổi đến trường.
Chăm sóc con cái được chia đều giữa người mẹ và người bố ở Thụy Điển (Ảnh minh họa).
Ở Thụy Điển, bàn thay đồ cho trẻ được lắp đặt trong phòng thay đồ của những ông bố, không ai phàn nàn nếu người đồng nghiệp nam bỏ dở công việc để đưa con đến khám bác sỹ và thậm chí một bộ luật đã được ban hành nhằm khuyến khích vai trò của người bố trong việc nuôi dạy con. Theo thống kê của New York Times, có tới 85% ông bố người Thụy Điển nghỉ việc để chăm sóc đứa con mới chào đời, giúp cân bằng số lượt nghỉ giữa vợ và chồng.
8. Cha mẹ không dạy con bằng bạo lực
Năm 1979, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiêm cấm mọi hành vi phạt trẻ bằng bạo lực và không lâu sau đó hai quốc gia láng giềng là Phần Lan và Na-uy cũng học tập cách làm của Thụy Điển.
Ban đầu, nhiều bậc phụ huynh Thụy Điển chưa thể tìm ra cách phạt con phù hợp nếu không được thực hiện các hình thức phạt mang tính bạo lực, trong khi trẻ em Thụy Điển được nuôi dạy trong một môi trường tự do và thoải mái. Qua thời gian, họ đã phát triển một biện pháp phạt trẻ bằng cách nhìn thẳng vào mắt trẻ và dạy dỗ trẻ bằng lời nói.
Nguồn: Bump/Cupofjo/Matador