70 USD/thùng có phải là mức đỉnh của giá dầu thô năm nay?

Trong tháng đầu năm 2018, giá dầu Brent có lúc chạm mốc 70 USD/thùng, chỉ trong vòng 7 tháng, giá dầu đã tăng vọt từ dưới 45 USD/thùng khiến nhiều nhà đầu tư hoài nghi phải chăng đây là ngưỡng giá đỉnh?

70 USD/thùng có phải là mức đỉnh của giá dầu thô năm nay? - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu Brent từ đầu năm 2017 đến năm 2018

Tuy nhiên, việc sản lượng dầu đá phiến Mỹ liên tục tăng chính là lý do khiến thị trường phải thận trọng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo sản lượng dầu thô Mỹ có thể sớm vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày khi tăng thêm 1,35 triệu thùng trong năm nay đồng thời trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất không thuộc tổ chức OPEC. Sản lượng dầu thô Mỹ thậm chí có thể vượt Ả-rập Xê-út trong năm nay. Hiện tại sản lượng khai thác dầu thô của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở mức 9,75 triệu thùng/ngày.

OPEC cho rằng thời kỳ đen tối của thị trường dầu thô từ năm 2013 đến 2015 có thể sẽ tái diễn. Thời điểm đó, giá dầu lao dốc từ mức 100 USD/thùng xuống còn 30 USD/thùng do sản lượng dầu thô Mỹ tăng mạnh.

Thế nhưng lần lại khác khi nhu cầu dầu thô hiện đang tăng mạnh hơn so với giai đoạn 2010-2015.

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh và giá dầu thấp cũng được xem là nhân tố giúp lượng tiêu thụ nguồn năng lượng này tăng ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay- một con số mà theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng vẫn còn khá khiêm tốn so với thực tế. Một số tổ chức khác thậm chí dự đoán nhu cầu dầu thô tăng trưởng khoảng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2014.

Đây cũng chính là lý do tại sao các quỹ đầu tư liên tục đánh cược giá dầu sẽ còn tăng cao hơn nữa. Việc giá dầu Brent giảm 2% tuần trước được coi chỉ là đợt điều chỉnh giá chứ không phải là khởi đầu của xu hướng giảm.

Mặc dù vậy nguồn cung dầu thô ở một số quốc gia vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong khi OPEC và 10 quốc gia ngoài tổ chức tiếp tục thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng giúp thị trường gần lấy lại trạng thái cân bằng trong năm nay, tình hình bất ổn ở Venezuela (quốc gia thành viên OPEC) tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, sản lượng ở Venezuela giảm 490.000 thùng/ngày trong năm ngoái xuống mức thấp nhất trong vòng 30 năm qua là 1,6 triệu thùng/ngày.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo: “Sản lượng ở Venezuela có thể tiếp tục giảm nhưng chúng tôi không dám chắc mức giảm sẽ là bao nhiêu”.

Về phía OPEC, Bộ trưởng năng lượng Ả-rập Xê-út hôm chủ nhật tuần trước hối thúc các quốc gia khai thác dầu mỏ kéo dài chương trình cắt giảm sản lượng qua năm 2018. Tuy nhiên, thay vì thực hiện thỏa thuận cắt giảm hiện tại, một thỏa thuận mới sẽ dùng để thay thế.

“Chúng ta không nên giới hạn nỗ lực trong năm 2018. Chúng ta nên bàn về những khung chính sách hợp tác dài hạn. Tôi đang đề cập đến việc kéo dài khung thỏa thuận cắt giảm sản lượng qua năm 2018”.

“Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với viêc chúng ta phải tuân thủ theo các giới hạn sản lượng hoặc mục tiêu sản lượng của từng quốc gia mà chúng ta đã ký kết trong năm 2016. Thay vào đó, các nước sẽ cố gắng đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của các cổ đông, nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với nhau”, ông Khalid al-Falih nói.

Sản lượng khai thác của Mỹ tăng mạnh đẩy giá dầu thô giảm

Bài viết mới