Trong 100 năm vừa qua, thị trường chứng khoán thế giới đã lao dốc nhiều lần. Các cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1929, Ngày Thứ Hai Đen Tối 1987, Đại khủng hoảng 2007-2009 là những cơn đau tồi tệ nhất các nhà đầu tư trải qua. Nhiều nhà đầu tư đã vỡ mộng chỉ sau những cú sụt giảm trong vài tuần và có người phải nhảy lầu tự tử.
Mặc dù nguyên nhân cụ thể của mỗi đợt lao dốc là khác nhau và đều khá phức tạp, nhìn chung thì các cú sụp đổ thường được gây ra bởi sự kết hợp giữa đầu cơ, đòn bẩy quá cao và một vài yếu tố chủ chốt khác.
1. Đầu cơ
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do đầu cơ tràn lan một cách quá khích. Cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 hay bong bóng dotcom là ví dụ điển hình cho đầu cơ cổ phiếu. Năm 1929, trong khi giá cổ phiếu đã được đẩy lên đến mức điên rồ thì số người thất nghiệp lại cao kỷ lục và sản xuất bị bó hẹp, hệ thống ngân hàng ngập nợ xấu. Đây là cơn bão gây ra sự sụp đổ phố Wall, sau đó nhanh chóng lan ra tạo thành cả mảng tối tăm cho nền tài chính Châu Âu, và là một nguyên nhân quan trọng gây nên Đại chiến thế giới II.
Cũng với nguyên nhân đầu cơ, cuộc khủng hoảng cổ phiếu công nghệ đã diễn ra đầu những năm 2000. Hậu quả là trong 6 năm sự thao túng giá cổ phiếu công nghệ đưa Nasdaq tăng 400%, và cũng chính sự thao túng đưa chỉ số này từ mốc 5046 giảm về mốc 1114 điểm.
Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng 2007-2009, thay bằng cổ phiếu thì nhà đất lại là đối tượng của xới bạc. Thậm chí, một số cuộc khủng hoảng còn bắt nguồn từ đầu cơ những hàng hóa điên rồ như hoa tulip, hay tiền số …
Điểm chung là trước các cuộc khủng hoảng, xuất hiện các cơn sốt bất thường dành cho một thứ tài sản hay vật chất nào đó vốn được giao dịch ổn định trong thời gian dài. Hậu quả của chuỗi ngày đầu cơ là đưa thị trường chìm trong chuỗi ngày đau đớn và một cái kết: nhiều người mất trắng tiền tích lũy cả đời.
2. Đòn bẩy tài chính quá lớn
Nhiều người cho rằng,đòn bẩy tài chính trong thời cuộc thuận lợi là bước đi thông thái để tăng giá trị thu về.
Hãy tưởng tượng, giả sử một nhà đầu tư A nào đó đổ vào 162.000 USD mua một cổ phiếu Berkshire cho thị trường trong những ngày giá tăng với kỳ vọng lợi suất 20% cuối năm. Nếu giờ ông A vay thêm 162.000 USD từ công ty chứng khoán (CTCK) với tỉ lệ vay thông thường 1:1 để mua một cổ phiếu Berkshire nữa , tức là cuối năm A muốn thu về khoản lãi 64.800 USD. Hãy nhớ, ông vẫn mất phí môi giới 0.04% và lãi vay margin 14%/năm.
Nhưng nếu giá cổ phiếu đi ngược lại mong muốn của ông A, giả định rằng mức sụt giảm là 35%, vậy A lỗ 113.400 USD cho cả hai cổ phiếu. Ngoài ra, còn phí môi giới và khoản lãi 14% vay trị giá 22.680 USD. Vậy A mất 136.080 USD, trong khi đầu tư 162.000 USD. Trong thực tế, trường hợp giá cổ phiếu giảm đến mức 30-40%, các CTCK sẽ ép nhà đầu tư bán giải chấp, chứ A không được nắm giữ cổ phiếu BRKA. Mà lực bán càng tăng trên bảng giá, cổ phiếu càng rơi mạnh.
Tiêu biểu cho hậu quả tình trạng vay margin cao toàn thị trường, chính là những “đêm đen ” trong Đại khủng hoảng 1929 đưa nền tài chính thế giới vào nơi tăm tối. Vay margin cao là con đường có thể đưa người ta vào vòng xoáy nợ không lối thoát, có thể khiến nhiều nhà đầu tư khánh kiệt với tài sản đã tích cóp trong nhiều năm.
3. Lạm phát và chênh lệch lãi suất
Nhìn chung, chênh lệch lãi suất và lạm phát đều ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu và nền kinh tế, đặc biệt đúng với các ngành nóng. Một ví dụ thực tế, nếu các tờ báo cho bạn biết lợi suất trái phiếu Mỹ dự kiến tăng lên mức 3%, và cổ phiếu nhóm bất động sản (REIT) dự kiến thu về mức lãi 5%, đa phần các nhà đầu tư sẽ chọn cổ phiếu bất động sản.
Nhưng trường hợp sau đó lợi suất trái phiếu Mỹ tăng thêm lên mức 4%, lợi tức dự kiến của cổ phiếu bất động sản vẫn giữ nguyên là 5%. Nhưng cổ phiếu lại bị coi là thị trường đầy rủi ro, trái phiếu Mỹ lại được coi là vùng an toàn hơn – nên dòng vốn sẽ chảy vào thị trường trái phiếu.
Nhưng nếu giữ lãi suất trái phiếu Mỹ ở mức 4% còn lợi tức các cổ phiếu nhóm REIT tăng lên 6%, thì dòng vốn rất có thể lại đổ vào bất động sản- vì mức 6% được coi là mức cao trong bất đống sản. Thị trường cổ phiếu càng bị coi rẻ thì thị trường trái phiếu càng đắt lên, đó là cách mà dòng tiền hoạt động.
Từ góc độ kinh tế, lãi suất tăng đồng nghĩa chi phí vay mượn tăng, kéo theo hoạt động của nền kinh tế trùng xuống và có thể khiến TTCK giảm điểm.
4. Rủi ro địa chính trị
Thị trường chứng khoán sẽ không thể phản ứng tích cực nếu xảy ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hay một cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thị trường thích giữ ổn định, và rủi ro từ các cơn căng thẳng của các phe đối lập trên chính trường hay quy mô chiến tranh thường mang lại kết quả ngược lại. Các căng thẳng trong những ngày có tin báo khủng hoảng tên lửa vịnh Cuba, vụ đâm máy bay vào Tòa Tháp Đôi ngày 11/09, gần đây nhất là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đều khiến thị trường lâm vào nhiều phiên sụt giảm mạnh.
5. Thuế
Các chinh sách giảm thuế thường kích thích tăng trưởng kinh tế và đưa lại thông tin tích cực cho thị trường, tiêu biểu là Sắc lệnh giảm Thuế của tổng thống Trump năm 2017 vừa qua đã tạo đà đưa Dow Jones đi lên liên tục.
Bên cạnh đó, nhìn lại lịch sử, chính phủ có thể thực hiện chính sách tăng thuế trên thu nhập của người lao động và cả giới chủ, nhằm tăng khả năng chi trả từ Quỹ bảo hiểm xã hội. Hậu quả là giảm đồng lương hiện tại cho công nhân và tăng chi phi sản xuất cho giới chủ, tạo ra những cơn sụt giảm mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, thị trường cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ dự báo tăng các loại thuế khác và thuế thu nhập doanh nghiệp trong tương lai
6. Nỗi sợ trên thị trường
Ban đầu, thị trường lao dốc bởi nhiều sự kiện do thuế, lãi suất, đầu cơ… Nhưng sau một thời gian dài, nỗi sợ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn. Bán tháo diễn ra trên diện rộng. Đó là tình trạng chung trong các cuộc khủng hoảng.
Một điển hình tiêu biểu, nhìn lại các nhà đầu tư có thể thấy bong bóng đầu cơ nhà đất và nợ vay quá lớn với người tiêu dùng là hai nguyên nhân chính đẩy thị trường lâm vào khủng hoảng trong những ngày năm 2008-2009. Nhưng trên thị trường chứng khoán, nỗi sợ mới là thứ điều khiển các nhà đầu tư nhiều nhất – sau khi hàng tít trên các báo cho biết hệ thống ngân hàng đổ sập bao gồm Merrill Lynch và Freddie Mac, thì cơn báo tháo mới diễn ra khủng khiếp trên toàn thị trường đưa đến viễn cảnh không thể tin nổi, làm nhiều tài khoản bốc hơi.