Vấn đề cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam (VFS) đang gặp nhiều tranh cãi khi VIVASO – một doanh nghiệp đường thủy bỏ tiền mua 65% cổ phần của VFS trở thành là đầu tư chiến lược. Dư luận nghi ngờ mục đích thực sự của việc cổ phần hóa.
Địa tô lớn từ “đất vàng” vào đâu?
Sự nghi ngờ đến từ việc lô đất VFS đang tọa lạc đều nằm trên những vị trí đặc địa. Tài sản đất đai của VFS hiện gồm số 4 Thụy Khuê, mảnh đất trên đường Hoàng Hoa Thám, một phim trường ở Cổ Loa, Hà Nội, một mảnh đất trên đường Thái Văn Lung ngay Quận 1, TP HCM và một số máy móc thiết bị chỉ được định giá 19,7 tỷ đồng.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết đất tại VFS thuộc quyền sở hữu của nhà nước cho thuê để làm phim, không được tính vào giá trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn lại vấn đề tại VFS, phải phân biệt rõ, mục đích nhà nước cho thuê đất này để phát triển hãng phim chứ không phải bất kì mục đích gì khác như xây nhà cao tầng hay xây siêu thị… Nếu sử dụng đất này ngoài mục đích của hãng phim là sai mục đích sử dụng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng phải được cơ quan quản lý nhà nước về đất cho phép. Khi đó, giá trị đất đai phải được định giá lại.
Theo ông Cung, thực tế ở Việt Nam vẫn diễn ra tình trạng “chạy” được mục đích sử dụng đất, sau cổ phẩn hóa khu đất có thể không còn phục vụ việc làm phim nữa. Nếu được chuyển đổi mục đích sử dụng, diện tích đất VFS đang quản lý sẽ một khoản địa tô không lổ. Khoản địa tô này thu được vào ngân sách thì không sao nhưng nếu các bên chia nhau thì lại khác.
“Có lẽ nhiều người nhòm ngó đến điều đó. Tính hấp dẫn của dự án cổ phần hóa này nằm ở đây. Nếu nhà đầu tư nhìn nhận như thế không phải là nhà đầu tư nghiêm túc”, ông Cung bày tỏ.
Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê. (Ảnh: Vietnamnet).
Vị chuyên gia kinh tế cho rằng cần phải chú trọng đến việc quản lý tài sản đất đai. Việc quản lý tài sản đất đai lỏng lẻo có thể là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng “sân trước sân sau”. Thất thoát tài sản nhà nước nằm ở đây.
Đồng tình, TS Ngô Trí Long cũng cho rằng điều mấu chốt cần lưu ý khi cổ phần hóa các tại VFS là việc quản lý đất đai. Sau cổ phần hóa, kể cả có phải định giá lại tài sản đất đai, doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng đất sang xây nhà cao tầng, trung tâm thương mại… vẫn có lãi nhờ tình trạng đút lót đi cửa sau hiện nay.
Không phải ai đến cũng là nhà đầu tư chiến lược
Xung quanh việc VIVASO – một doanh nghiệp đường thủy bỏ tiền mua 65% cổ phần của VFS trở thành là đầu tư chiến lược, TS Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm: “Quan trọng nhất trọng nhất phải xác định được cổ đông chiến lược là gì. Không phải ai đến mua cũng là cổ đông chiến lược. Không phải cổ đông chiến lược thì không bán. Đúng cổ đông chiến lược bán rẻ hơn một chút cũng chấp nhận”.
Ông Cung cho biết, để khẳng định VAVISO có phải cổ đông chiến lược hay không phải xem bản cam kết đầu tư của họ. Nhưng theo ông, ở trường hợp cổ phần hóa VFS phải xác định cụ thể điều hãng cần ở cổ đông chiến lược. VFS cần ở cổ đông chiến lược không chỉ là vốn. Năng lực mềm, năng lực để phát triển hãng phim mới là quan trọng nhất để phát triển hãng phim sau cổ phần hóa. Đây là một điểm khó đối với nhà đầu tư tránh ngành.
Hãng phim 60 năm thương hiệu giá 0 đồng?
Các nghệ sỹ làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam cho rằng dù đang suy yếu, lỗ vốn nhưng hãng phim tồn tại 60 năm, từng cho ra đời nhiều bộ phim đóng góp lớn cho điện ảnh nước nhà. Có nghệ sỹ cho rằng Hãng phim còn có giá trị văn hóa phi vật thể. Vì vậy, họ phản đối việc phương án cổ phần hóa đưa ra đánh giá thương hiệu VFS trị giá 0 đồng.
TS Nguyễn Đình Cung bày tỏ khó để nói giá trị định giá 0 đồng đúng hay sai. Đánh giá giá trị doanh nghiệp là đánh giá tương lai tạo ra cái gì chứ không phải đánh giá quá khứ họ làm gì. Đầu từ là mua cái tương lai của doanh nghiệp. Tương lai mang lại gì cho nhà đầu tư mới là giá trị.
TS Ngô Trí Long cũng cho rằng thương hiệu doanh nghiệp là tài sản vô hình của doanh nghiệp, trong thương mại có phương pháp định giá khoa học. Thương hiệu được xác định từ chi phí, doanh thu, danh tiếng và cơ hội trong tương lai của doanh nghiệp. Khi cổ phần hóa việc định giá đều phải theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
“Nếu một đơn vị nhiều năm không hoạt động, không ra sản phẩm thì thương hiệu từ đâu ra? Người ta định giá cũng 0 đồng có lý của nó. Cơ quan định giá phải chịu trách nhiệm trước nhà nước. Nếu cho rằng việc định không chính xác có thể mời đơn vị khác tiến hành đánh giá lại. Không thống nhất được có thể đưa ra tòa án kinh tế giải quyết”, ông Long cho hay.
Trước dư luận về thương hiệu của VFS, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết đang rà soát lại việc định giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ đã yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng phương án xác định giá trị thương hiệu của VFS trên cơ sở tham khảo một số nước.
“Các quan hệ kinh tế không thể giải quyết chỉ bằng cảm xúc”, TS Ngô Trí Long nêu quan điểm. Theo ông, ngoài yêu cầu minh bạch giá trị đất đai, VFS cần đòi hỏi bất kì đơn vị nào đầu tư đều phải tuân thủ mục tiêu cổ phần hóa. Đó là đưa hãng phim phát triển.