5 lời khuyên cực kỳ hữu ích giúp bạn đối mặt với “tin dữ” khi bị chẩn đoán ung thư

Sau khi bị chẩn đoán mắc ung thư, bạn có thể cảm thấy cuộc sống không còn được bảo đảm như trước đó. Khi có cảm giác này, việc đề nghị được hỗ trợ là rất cần thiết. Hãy trao đổi với các nhân viên y tế về những nơi có thể giúp bạn trong quá trình điều trị ung thư.

Những lo lắng thường gặp khi bị chẩn đoán mắc ung thư

Cả bệnh nhân mới bị chẩn đoán và người đã vượt qua bệnh ung thư đều có lo lắng chung. Đó là:

Phải tạm hoãn những dự định tương lai sang một bên: Bạn có thể cảm thấy mình không thể hướng về tương lai. Việc lên kế hoạch sẽ rất khó khăn vì nhiều lý do. Ví dụ: bạn sẽ khó lên kế hoạch đi nghỉ cùng gia đình khi không biết chính xác về lịch điều trị.

Bạn cũng khó có thể giữ lời hẹn đi ăn trưa với bạn bè hoặc người thân vì không rõ về tình trạng sức khỏe của mình. Một vài người cảm thấy họ không thể lập bất kì kế hoạch nào. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là suy nghĩ linh hoạt và chấp nhận rằng mọi kế hoạch đều có thể thay đổi.

• Lo lắng về điều trị ung thư và các tác dụng ngoại ý: Bạn có thể cảm thấy sợ hãi về những tác dụng ngoại ý hay tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị ung thư, như đau đớn, buồn nôn hoặc mệt mỏi. Bạn cũng có thể sợ mình trở nên phụ thuộc trong suốt thời gian điều trị ung thư hoặc sẽ phải bỏ lỡ nhiều hoạt động và sở thích cá nhân. Hãy tìm hiểu thêm về cách đối mặt với những lo sợ này.

Trong khi đó, một số bệnh nhân đã vượt qua ung thư có thể sẽ lo lắng về những ảnh hưởng lâu dài sau khi điều trị (late effects). Đó là những ảnh hưởng sẽ xuất hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị ung thư kết thúc. Hãy trao đổi với các bác sĩ về những ảnh hưởng muộn có thể xảy ra và các biện pháp cần thiết để phòng ngừa và chữa trị.

• Lo lắng liệu pháp điều trị sẽ không hiệu quả: Không phải liệu pháp nào cũng có tác dụng giống nhau ở mọi bệnh nhân, kể cả khi mắc cùng một loại ung thư.

Một số bệnh nhân có kết quả điều trị tốt hơn, trong khi một số khác có kết quả điều trị tương đối tốt nhưng gặp tác dụng phụ nhiều hơn. Những hiểu biết về liệu pháp đang sử dụng và có thể sử dụng trong tương lai sẽ giúp bạn chủ động đối mặt với những gì sắp xảy ra.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

• Lo lắng rằng phương pháp điều trị không còn hiệu quả nữa: Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ tiếp tục liệu pháp điều trị cho đến khi nó không còn tác dụng hay khối u không còn đáp ứng.

Điều này thường xảy ra thường xuyên hơn ở những bệnh nhân mắc ung thư di căn hoặc đã điều trị cùng một liệu pháp trong thời gian dài. Thật đáng sợ khi nghĩ rằng liệu pháp hiện tại sẽ không có tác dụng nữa, ngay cả khi bạn biết mình vẫn còn những lựa chọn điều trị khác.

• Lo lắng về tái phát ung thư: Việc ung thư xuất hiện lại hay tái phát sau quá trình điều trị là điều đáng sợ nhất đối với nhiều bệnh nhân ung thư. Nếu lo lắng về điều này, bạn thường chú ý đến mọi triệu chứng hay thay đổi của bản thân và theo dõi sức khỏe rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên làm như vậy có thể gia tăng sự bất an hoặc căng thẳng.

• Sợ phải chết hoặc sợ mất đi người thân yêu: Đối diện với ý nghĩ về cái chết sẽ rất khó khăn. Nỗi sợ này là rất tự nhiên, đặc biệt là khi bạn phải đối diện với nguy cơ phải chết hoặc phải mất đi người thân yêu. Đấu tranh chống lại nỗi sợ này là rất bình thường và là phản ứng hay xảy ra ở nhiều người. Tuy nhiên nếu bạn quá sợ hãi, hãy nói với nhóm chăm sóc để họ có thể hỗ trợ kịp thời.

5 cách đối diện với sự bất an khi bị ung thư

Chấp nhận sự bất định trong điều trị ung thư có thể làm bạn cảm thấy lo lắng, tức giận, buồn bã hoặc sợ hãi. Những triệu chứng về thể chất có thể xảy ra do các cảm xúc trên. Ví dụ, bạn có thể mất ngủ hoặc mất tập trung khi làm việc. Học cách đối phó với sự bất định và giảm cảm xúc bất an là việc quan trọng để sống lành mạnh.

Dưới đây là những mẹo có thể giúp bạn:

1. Nhận thức rằng có những tình thế bạn có thể kiểm soát và những tình thế bạn không làm được gì. Tuy điều này có thể không dễ dàng, nhiều người cảm thấy dễ chịu hơn khi cho qua những gì không thể thay đổi.

2. Trao đổi với các nhân viên y tế về cảm giác bất an trước sự bất định đang ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của bạn. Họ có thể giúp bạn khi cần thiết.

3. Trò chuyện với nhà tư vấn hoặc nhân viên xã hội trong bệnh viện. Họ có thể giới thiệu cho bạn một nhóm hỗ trợ hiệu quả tại nơi bạn sống. Nhóm này có thể giúp bạn có sự chia sẻ từ những người đang điều trị ung thư ở hoàn cảnh tương tự.

4. Chia sẻ với gia đình và bạn bè về những cảm xúc của bạn và những gì họ có thể giúp bạn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

5. Tìm hiểu về căn bệnh và phương pháp điều trị càng nhiều càng tốt. Những thông tin chính xác có thể giúp bạn biết rõ hơn về những gì có thể kỳ vọng.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

*Theo Cancer

Phải làm gì khi mắc bệnh ung thư? Hãy nghe kinh nghiệm thực tế của người bệnh

Bài viết mới