Các huyện vùng ven TP HCM còn nhiều tiêu chí về đô thị chưa đạt, cần nguồn lực rất lớn để đầu tư, xây dựng hạ tầng nên khó thành quận trước năm 2030, theo các chuyên gia.
Tại buổi báo cáo kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021-2030, sáng 8/3, TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, đánh giá đến 2030, năm huyện ngoại thành đều không thể đạt điều kiện lên quận. Trong đó, vướng nhất là tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt cấp phường.
TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM. Ảnh: Thu Hằng
Theo ông Tân, các huyện đang dần tiệm cận và có thể vươn tới đạt đô thị loại 3 vào năm 2030. Riêng huyện Bình Chánh gần đạt đô thị loại 3. Cụ thể, huyện Nhà Bè và Hóc Môn chưa đáp ứng diện tích tự nhiên theo quy chuẩn đô thị loại 3 (tối thiểu 150 km2), hiện chỉ đạt 100-109 km2. Nhà Bè và Cần Giờ chỉ có 7 xã, trong khi quy định tối thiểu với đô thị loại 3 là 10 xã. Cần Giờ chưa đáp ứng tiêu chí dân số vì chỉ có 76.000 người trong khi quy định là 150.000 người.
TP.HCM định hướng phát triển 5 huyện thành các đô thị vệ tinh chủ yếu dựa trên nguồn lực tư nhân bằng phương pháp quy hoạch để tạo ra giá trị từ đất đai, tài nguyên, cảnh quan. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Anh Phong, Đại học Kinh tế – Luật, chủ nhiệm đề án nhánh phát triển kinh tế đô thị của các huyện tính toán nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn. Theo đó, lượng vốn tư nhân thu hút hàng năm theo ba nhóm dự án kinh tế, xã hội và môi trường mỗi địa phương từ nay đến 2030 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Đại học Việt Đức, chủ nhiệm đề án nhánh phát triển hạ tầng, cho biết chi phí để phát triển đô thị tại 5 huyện sẽ tương đối tốn kém vì nhiều khu vực có rủi ro ngập lụt cao. Nhóm nghiên cứu tính toán riêng khu vực đã quy hoạch ở huyện Nhà Bè cần 50-74 triệu m3 đất tôn nền để đảm bảo chống ngập ở phía Nam. Số lượng này gấp gần 10 lần nhu cầu đất đắp nền đường còn thiếu cho 5 đoạn cao tốc phía Đông giai đoạn 2022-2023. “Điều này cho thấy thách thức rất lớn”, ông nói.
Dù vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu phát triển 5 huyện thành đô thị là cấp thiết. Khu vực này hiện có hơn 2 triệu người. Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2016-2020 quá nhanh, bình quân 3,84% mỗi năm, nhưng dân cư chủ yếu tập trung ở nông thôn. Điều này dẫn đến diện tích đất ở nông thôn tăng nhanh, bình quân 3,04% mỗi năm, gần gấp đôi đô thị. Sự tập trung dân cư vào khu vực nông thôn dẫn đến quá tải hạ tầng, không theo kịp nhu cầu định cư. Bộ máy quản lý cũng không tương thích tốc độ tăng dân số nhanh, dẫn đến quá tải, ô nhiễm môi trường…
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhắc nhở các huyện chưa bàn chuyện lên quận hay thành phố. Ảnh: Thu Hằng
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu 5 huyện ngoại thành khoan bàn chuyện lên quận hay thành phố vì sẽ dẫn đến hệ luỵ về giá đất, tâm lý người dân khi phải thay đổi giấy tờ. Trước mắt, ông yêu cầu các địa phương nỗ lực lên đô thị loại 3, song chỉ tiêu hạ tầng xã hội, kỹ thuật phải phấn đấu theo tiêu chí đô thị loại 1.
“Đường phải rộng, công viên phải lớn, trường học chuẩn quốc gia, y tế chuẩn quốc tế. Diện tích nhà ở trên bình quân đầu người phải gấp 3 lần đô thị loại 3. Cách duy nhất là làm đô thị nén”, ông nói và đề nghị các huyện tư duy với tầm nhìn xa chứ không “ăn xổi ở thì”.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng nêu định hướng 5 huyện ngoại thành phát triển theo 4 nhóm chức năng: sinh thái – nghỉ dưỡng – dịch vụ (Hóc Môn); sông nước – logistics (Nhà Bè, Cần Giờ); và tổng hợp phức hợp (Củ Chi và Bình Chánh). Trong đó, yêu cầu phát triển chung là: xanh, sạch, số, văn minh, sinh thái và quan trọng nhất là phù hợp với điều kiện tự nhiên từng vùng.
5 huyện được xác định phát triển thành quận hoặc thành phố đến năm 2030. Đồ họa: Khánh Hoàng
Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021-2030 hiện đã chậm tiến độ hai năm. Trong đề án chung, TP.HCM phân công từng sở, ngành thực hiện các đề án riêng gồm: kinh tế đô thị (Sở Kế hoạch và Đầu tư); văn hóa đô thị (Sở Văn hóa và Thể thao); hạ tầng đô thị (Sở Quy hoạch và Kiến trúc); con người đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển) và quản lý nhà nước (Sở Nội vụ).
Sau khi hoàn thiện, các đề án nhánh này sẽ được tích hợp vào đề án riêng của từng huyện, từ đó tổng hợp thành đề án chung. TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện để kịp tiến độ với Quy hoạch chung TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong năm nay.