Thị trường căn hộ tại Hà Nội đang đối mặt với thách thức làm sao có thể đáp ứng được nguồn cầu với các sản phẩm phù hợp, đặc biệt là phân khúc căn hộ vừa túi tiền.
Ảnh minh hoạ
Nguồn cung mới rất ít
Theo Báo cáo thị trường quý 4.2022 của Savills Việt Nam, căn hộ có nguồn cung mới thấp nhất trong 8 năm vừa qua, chỉ có 12.637 căn. Trong đó, căn hộ hạng B chiếm 83%, theo sau là căn hộ hạng A với 9%. Tổng nguồn cung sơ cấp trong quý 4.2022 là 20.333 căn hộ, giảm 3% theo quý và 6% theo năm.
Thị trường không có thêm dự án mới, toàn bộ nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của sáu dự án hiện tại. Kể từ khi mở bán vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019, các dự án đại đô thị như Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City đã chiếm 45% nguồn cung mới và 33% số lượng căn bán được.
Số lượng giao dịch đạt 2.890 căn, giảm 20% theo quý và 30% theo năm. Trong đó, giao dịch căn hộ hạng B chiếm 76% thị phần. Tỷ lệ hấp thụ của các dự án mới mở bán đạt 28%.
Giá bán sơ cấp trung bình đạt 47 triệu đồng/m2, ổn định theo quý và tăng 15% theo năm. Giá sơ cấp căn hộ hiện đang cao hơn so với giá thứ cấp 42% (tăng từ mức 14% trong năm 2018).
Giải thích về sự chênh lệch này, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội, cho rằng thị trường thứ cấp tăng trưởng không nhiều, trong khi đó giá bán sơ cấp lại tăng rất mạnh.
“Kể từ năm 2018, giá sơ cấp trung bình tăng 11% mỗi năm, trong khi giá thứ cấp chỉ tăng 5% mỗi năm. Do tốc độ tăng trưởng về giá khác nhau, nên hai thị trường đang có mức độ chênh lệch lớn về giá”, bà Hằng cho biết.
Đồng thời, hoạt động giao dịch bất động sản theo quý vẫn đang rơi vào trạng thái trầm lắng, với số lượng bàn giao giảm, số lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ đều ở mức thấp.
Điều này được lý giải xuất phát từ việc mất cân đối nguồn cung, khi tỷ trọng nguồn cung hạng B chiếm chủ yếu, trong khi đó căn hộ hạng C – phân khúc có nguồn cầu lớn nhất – lại có nguồn cung hạn chế.
Theo bà Hằng, thị trường hiện nay, đặc biệt trên các thị trường lớn như thị trường Hà Nội, việc mất cân đối nguồn cung hay còn gọi “nguồn cung không phù hợp” vẫn còn đang diễn ra khá phổ biến.
Nếu như ở thời điểm trước đây, căn hộ hạng C chiếm tỉ trọng đến 40-50%, cạnh tranh trực tiếp với lượng hàng từ căn hộ hạng B, thì nay phân khúc căn hộ hạng C chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ dưới 10%.
Nguồn cung sơ cấp của thị trường căn hộ để bán đa phần là căn hộ hạng B. Trong khi đó, số lượng căn phù hợp với đại đa số nhu cầu, hay phân khúc hạng C lại không lớn, thậm chí trong tương quan với tổng nguồn cung sơ cấp còn đang giảm dần. Kiếm được những sản phẩm có giá bán phù hợp với túi tiền là rất khó trên thị trường.
“Do đó, năm 2023 mặc dù có những hoạt động giải quyết, tháo gỡ các vấn đề pháp lý để gia tăng nguồn cung, tình trạng mất cân đối sản phẩm căn hộ có thể vẫn là bài toán nan giải, và căn hộ hạng B vẫn chiếm tỷ trọng chính”, bà Hằng nhận định.
Năm giải pháp căn cơ
Theo bà Hằng, để phát triển phân khúc vừa túi tiền và giải bài toán khó khăn của nhà ở hiện nay khi cung chưa thực sự đáp ứng được cầu, thị trường cần những giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược và dài hạn.
Thứ nhất, giải quyết vấn đề pháp lý. Mặc dù đã có những nỗ lực trong việc thúc đẩy từ phía Chính phủ nhằm đưa ra những tháo gỡ cho các doanh nghiệp bất động sản để có thêm nguồn cung ra thị trường, nhưng trong năm 2023 nguồn cung sẽ chưa đáng kể.
Bà Hằng cho rằng tình hình có thể được cải thiện nhiều hơn vào năm 2024, khi khung pháp lý đã hoàn thiện hóa và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thông qua.
Tuy nhiên, đối với dự án căn hộ vừa túi tiền, cần có cơ chế thúc đẩy, tháo gỡ riêng để chủ đầu tư có thể thấy rằng lợi nhuận kỳ vọng phù hợp với chi phí đầu tư và công sức bỏ ra, từ đó thúc đẩy chủ đầu tư tham gia vào thị trường.
Thứ hai, phải đưa ra sản phẩm phù hợp. Những yếu tố được người mua quan tâm nhất hiện nay ngoài vị trí, pháp lý thì vẫn là giá thành.
Tại Hà Nội, mức giá bình quân của thị trường sơ cấp đối với căn hộ đang là khoảng 47 triệu đồng/m2. Có thể thấy, giá bán hiện nay vẫn chưa thực sự phù hợp với nguồn cầu của đại đa số. Vì vậy, chủ đầu tư cần đưa ra sản phẩm có tổng giá bán vừa túi tiền hơn, cần tính toán kỹ càng để có chi phí đầu ra phù hợp.
Thứ ba, xây dựng cơ sở hạ tầng. Các dự án thuộc phân khúc hạng C thường nằm ở các địa phương có vị trí có cự ly xa trung tâm nên đòi hỏi sự phát triển về hạ tầng.
Các dự án cơ sở hạ tầng mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở. Khi hoàn thành, các dự án như đường Vành đai 3,5 và Vành đai 4 sẽ hỗ trợ kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Từ đó hỗ trợ thêm các dự án tại các tỉnh thành lân cận.
Thứ tư, linh hoạt trong giải pháp thanh toán. Chủ đầu tư có thể đưa ra các phương pháp thanh toán linh hoạt. Ví dụ như những chính sách khuyến khích người mua đối với việc thanh toán nhanh, người mua có thể thanh toán đến 95% với tỷ lệ chiết khấu giảm giá từ chủ đầu tư. Đây gần như là một việc chung tay giúp thị trường phục hồi theo góc độ khắc phục những điểm chưa thể tốt ngay trong thời điểm hiện nay.
Thứ năm, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh việc kết hợp với các đơn vị trong nước thì hiện nay các đơn vị nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc… đều là những doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác đầu tư trong điều kiện dự án có cơ sở pháp lý tốt, điều kiện mặt bằng sẵn sàng và chủ đầu tư quyết tâm trong việc hợp tác kinh doanh.
Mặt khác, các quỹ đầu tư và chủ đầu tư nước ngoài có mặt lâu năm tại Việt Nam đều có thâm niên nghiên cứu và quen thuộc với thị trường. Từ đó, họ có thể ra những quyết định nhanh chóng. Kết hợp với các điều kiện pháp lý hoàn thiện, họ có thể mang đến những tín hiệu tích cực hơn cho thị trường trong năm 2024 và 2025.