Trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đang triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Những hạ tầng này không chỉ giải bài toán về kết nối giao thông mà còn tạo lực đẩy rất lớn cho thị trường bất động sản Nhơn Trạch trong thời gian tới.
Cầu Nhơn Trạch (Vành đai 3 TP.HCM)
Dự án cầu Nhơn Trạch và đường hai đầu cầu khởi công tháng 9/2022, có tổng chiều dài là 8,22km (Đồng Nai 6,3km và TP.HCM 1,92km). Dự án có tổng mức đầu tư 6.955 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc hơn 190 triệu USD.
Trong đó, cầu Nhơn Trạch được khởi công từ tháng 9/2022 với chiều dài hơn 2km, rộng 19,75m và phần đường dẫn 2 đầu cầu dài 560m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhơn Trạch là hơn 1.800 tỉ đồng.
Cầu Nhơn Trạch trên tuyến Vành đai 3 TP.HCM là cây cầu duy nhất nối huyện Nhơn Trạch với TP.HCM đang được xây dựng.
Với vai trò đặc biệt quan trọng giúp kết nối Đồng Nai với TP.HCM, vào đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai phải sớm bàn giao mặt bằng để hoàn thành dự án cầu Nhơn Trạch vào tháng 4/2025, sớm hơn kế hoạch 5 tháng.
Khi hoàn thành, cây cầu này không chỉ giải quyết bài toán kết nối giao thông giữa hai địa phương TP.HCM và Đồng Nai mà còn giúp hoàn thiện hạ tầng liên kết vùng với các tỉnh Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương.
Đường 25B và 25C
Đầu nằm 2024, tỉnh Đồng Nai đã khởi công các đoạn thành phần hai dự án xây dựng, mở rộng tuyến đường 25B và 25C.
Cả hai tuyến đường này đều là tuyến giao thông chính, huyết mạch kết nối trung tâm Nhơn Trạch với TP.HCM và các tuyến quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM, sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.
Đây cũng là hướng giao thông chính được nhiều người dân lựa chọn khi di chuyển từ TP.HCM về Đồng Nai hay Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi sân bay Long Thành hoàn thành, hai tuyến đường này càng có vai trò quan trọng và lưu lượng giao thông sẽ tăng đột biến.
Đường 25B được mở rộng lên gấp 10 lần so với tuyến đường cũ
Cụ thể, đối với dự án xây dựng đường Tôn Đức Thắng, đoạn từ trung tâm Nhơn Trạch đến đường Quách Thị Trang có chiều dài khoảng 3,8km.
Dự án có quy mô đầu tư, đoạn từ đầu tuyến đến đường Vành đai 3 -TP.HCM dài 3km sẽ được xây dựng với lộ giới 80m, gấp 10 lần so với quy mô tuyến đường hiện tại.
Riêng đoạn còn lại dài 800m có lộ giới 51m. Tổng mức đầu tư dự án là 639 tỷ đồng, tiến độ triển khai khoảng 2 năm tương đương 730 ngày.
Trong khi đó, dự án đường 25C đoạn 2 có chiều dài 6,4km, điểm đầu dự án giao với đường Hùng Vương, điểm cuối dự án giao với đường Nguyễn Hữu Cảnh có nền đường rộng 61m.
Dự án có tổng mức đầu tư dự án là 1.264 tỉ đồng, tiến độ triển khai cũng khoảng 2 năm. Đường 25C chạy gần như song song với đường 25B và cũng có điểm cuối tại quốc lộ 51, kết nối trực tiếp với đường T1 vào sân bay quốc tế Long Thành.
Đoạn đường 25C đang được đầu tư xây dựng
Cầu Phước An nối Thị xã Phú Mỹ
Dự án cầu Phước An bắc qua sông Thị Vải nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được khởi công từ tháng 6/2023.
Dự án có chiều dài 4,3km, trong đó, phần cầu vượt sông Thị Vải dài hơn 3,5km, còn lại là đường dẫn. Dự án có tổng mức đầu tư 4.879 tỉ đồng.
Cầu Phước An là công trình hạ tầng có ý nghĩa đặc biệt đối với cả khu vực Đông Nam Bộ. Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải với hệ thống đường cao tốc trong khu vực như: Bến Lức-Long Thành và TP.Hồ Chí Minh-Long Thành – Dầu Giây.
Từ đó, kết nối toàn bộ nhóm cảng biển với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Đây sẽ là hướng giao thông chính để luân chuyển hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải đến hệ thống cao tốc liền kề TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành… giảm tải áp lực cho tuyến quốc lộ 51 hiện hữu.
Cầu Cát Lái
Theo thông tin mới nhất, Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa kiến nghị UBND TP có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư xây cầu Cát Lái.
Trước đó, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai cũng ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, thiết kế và dự toán chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng cầu thay phà Cát Lái.
Đến nay TP.HCM và Đồng Nai đã thống nhất phương án xây dựng cầu kết nối TP.HCM với Nhơn Trạch (Đồng Nai) để thay thế phà Cát Lái. Tuy nhiên, thời gian xây dựng và hướng tuyến cụ thể vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Cụ thể, phía tỉnh Đồng Nai từng kiến nghị xây dựng cầu Cát Lái trước năm 2025. Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, hiện nay cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026 và đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã quá tải. Việc triển khai dự án này sớm sẽ góp phần giảm áp lực giao thông gắn kết nối vùng.
Phía TP.HCM lại đề xuất xây dựng cầu Cát Lái sau giai đoạn 2030. UBND TP.HCM cho rằng, khu vực này đang xây cầu Nhơn Trạch trên Vành đai 3 với quy mô 4 làn ôtô sẽ hoàn thành năm 2026 và dự kiến tiếp tục mở thêm 4 làn cho xe thô sơ, đáp ứng nhu cầu đi lại giữa hai địa phương.
Ngoài ra, tại khu vực cảng Cát Lái đang được nghiên cứu làm tuyến liên cảng nối đường Nguyễn Thị Định đến nút giao Vành đai 3 gần cảng Phú Hữu. Tuyến này dài 6km, rộng 60m, 12 làn xe, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2030.
Ngoài cầu Cát Lái, TP.HCM và Đồng Nai tiếp tục nghiên cứu xây dựng cầu Đồng Nai 2 nối TP. Thủ Đức với huyện Long Thành và cầu Phú Mỹ 2 nối khu Nam TP.HCM với Nhơn Trạch. Hai dự án này sẽ triển khai trong giai đoạn 2026 – 2030.