Một số lãnh đạo sẽ đánh giá trực tiếp nhân viên nhưng không phải ai cũng thoải mái khi đối đầu với sếp. Cấp trên của bạn sẽ không bao giờ tiết lộ suy nghĩ thực sự của của họ về bạn, vì thế, bạn phải học cách hiểu những dấu hiệu trong giao tiếp hàng ngày.
1. Sếp không muốn biết thêm về bạn
Giả sử bạn chỉ nghe thấy sếp khi anh ta yêu cầu việc gì đó hoặc có một cuộc họp theo lịch trình. Bạn đã cố gắng tạo ra các tình huống giao tiếp hàng ngày, nói xin chào khi vô tình gặp sếp và mỗi sáng nhưng anh ta không hề quan tâm. Đó là dấu hiệu cho thấy sếp không ưa bạn ở khía cạnh cá nhân và chỉ nghĩ tới bạn với vai trò là một nhân viên khi cần giao việc. Cấp trên có thể đánh giá sản phẩm và thành tích công việc của bạn, nhưng anh ta không quan tâm xa hơn về bạn, theo tác giả Cooper Hakim của cuốn sách Working with difficult people (Làm việc với những kẻ khó tính).
Chắc chắn, cấp trên không phải bạn bè thân thiết với bạn, nhưng nếu bạn nhận thấy sếp có thái độ thân thiện hơn với các nhân viên khác, nó có thể cho thấy phần nào cách suy nghĩ của sếp về bạn.
2. Sếp không quan tâm đến ý kiến của bạn trong cuộc họp
Bất cứ khi nào bạn giải thích về ý tưởng của mình trong cuộc họp, sếp luôn ngắt lời. Đó là dấu hiệu sếp không đánh giá cao ý tưởng của bạn, hoặc sếp hứng thú với việc thể hiện quyền lực và vai trò cá nhân hơn lắng nghe ý kiến từ người khác, bao gồm cả bạn.
3. Sếp bỏ qua bạn trong những dự án quan trọng
Công ty có rất nhiều dự án phù hợp với năng lực của bạn, nhưng bạn không bao giờ được chọn. Sếp của bạn cũng không lắng nghe khi bạn chia sẻ về mục tiêu hay ý tưởng đóng góp. Đó là dấu hiệu cấp trên không quan tâm đến việc giúp bạn đạt được những bước tiến mới trong công việc và góp phần vào mục tiêu chung của công ty. Điều đó cũng chứng tỏ, sếp không tin tưởng và đánh giá cao khả năng của bạn trong việc dẫn dắt một dự án.
4. Sếp không quan tâm đến những thành tựu trong công việc của bạn
Một ông chủ cam kết với sự phát triển nghề nghiệp của nhân viên sẽ thường xuyên hỏi về mục tiêu và những lợi thế của bạn trong công việc. Sau tất cả, sếp sẽ đánh giá chung những việc bạn làm, trách nhiệm và những tiến bộ của bạn.
Nếu sếp không hỏi về lý tưởng làm việc của bạn hay hỏi nhưng không có động thái giúp đỡ bạn đạt được những mục tiêu nghề nghiệp, bạn có thể kết luận rằng, sếp không đánh giá cao bạn trong những dự án dài hơi. Điều đó chứng tỏ, bạn chỉ là một phương tiện làm việc để sếp đạt được mục tiêu riêng.
5. Cấp trên không quan tâm đến tình trạng của bạn
Khi bạn xin nghỉ ốm, sếp ngay lập tức nói đến những việc đáng lẽ ra bạn cần làm chứ không hề hỏi thăm tình hình của bạn. Khi bạn nghỉ phép vì lý do cá nhân, sếp yêu cầu bạn thay đổi lịch trình cá nhân để phục vụ công việc. Đó là những dấu hiệu cho thấy sếp không hề quan tâm việc bạn cảm thấy thế nào cả về thể chất và tâm lý. Anh ta chỉ quan tâm đến những vấn đề của công việc.
Mặc dù không phải mối quan hệ bạn bè, nhưng ít nhất một người sếp tốt sẽ quan tâm đến tình trạng của nhân viên. Mối quan hệ tốt đẹp giữa sếp và nhân viên sẽ có tác dụng thúc đẩy công việc không ngờ.
Nếu sếp của bạn có tất cả những dấu hiệu này, đã đến lúc bạn cần cân nhắc bước hành động tiếp theo. Đầu tiên, hãy quan sát xem sếp có đối xử như vậy với các nhân viên khác không, hãy đánh giá một cách khách quan.
Nếu bạn thích công việc hiện tại và có mối quan hệ tốt với những người cong lại, chuyên gia nhân sự khuyên bạn nên tập trung và các mối quan hệ với đồng nghiệp và bớt để tâm đến việc phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với sếp.
Hãy nhận thức rõ, mục tiêu của bạn là hoàn thành công việc và làm hài lòng sếp với những kết quả. Nếu không sếp thực sự không ưa bạn ở khía cạnh cá nhân và điều đó ảnh hưởng đến kết quả công việc, đã đến lúc bạn suy nghĩ đến việc chuyển việc. Dù ở vị trí nào, bạn cũng cần được tôn trọng và đối xử tử tế.