Theo đó, cả nước hiện có 1,08 triệu người thất nghiệp, trong đó 25% là thất nghiệp dài hạn – tức thất nghiệp liên tục hơn 12 tháng. Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, nhiều trường hợp thất nghiệp là “chủ động”, tức có “năng lực làm việc nhất định nhưng chưa tìm được công việc phù hợp với trình độ, mức lương mà họ mong muốn”.
Đặc biệt, đa số trường hợp thất nghiệp lại rơi vào thanh niên và người có trình độ cao. Cụ thể, có tới 575.100 thanh niên thất nghiệp, trong đó có 183.100 cử nhân – tăng 44.200 người so với quý 1-2017. Trong khi đó, nhóm người có trình độ cao đẳng chỉ còn 82.600 trường hợp thất nghiệp, giảm 21.600 người so với quý 1-2017
Các ngành có số người làm việc giảm nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 74 nghìn người, mặc dù tăng 347 nghìn người so với quý II/2016); vận tải, kho bãi (giảm 34 nghìn người, nhưng tăng 140 nghìn người so với quý II/2016); khai khoáng (giảm 34 nghìn người); hoạt động làm thuê trong hộ gia đình, sản xuất sản phẩm & dịch vụ tự tiêu dùng (giảm 30 nghìn người) và nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 21 nghìn người).
Đáng chú ý, 8 vùng kinh tế, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, lần lượt là 2,95% và 2,65%. Bên cạnh đó, Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tỉ lệ thấp nhất (lần lượt chiếm 0,95% và 1,05%). Số người thất nghiệp dài hạn (12 tháng trở lên) chiếm 24,5% tổng số người thất nghiệp.
Ảnh minh họa
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp trình độ đại học tăng là do tình hình tuyển dụng của doanh nghiệp sang quý II/2017 giảm so với quý I/2017. Nhóm thanh niên thất nghiệp gia tăng do việc tham gia thị trường lần đầu có những khó khăn nhất định.
Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp luôn biến động giữa các tháng trong năm do sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn lực lao động có sẵn của xã hội. Đây là giai đoạn thị trường lao động tiếp nhận một lượng lớn cử nhân tốt nghiệp từ các trường đại học. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp lại không tăng tương ứng do sản xuất ổn định, không cần quá nhiều nhân lực như những tháng đầu năm, do đó gây ra tình trạng ứ đọng, tăng mạnh tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ tuổi.
Hơn nữa, thực tế trong những năm gần đây chúng ta thấy rằng tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan. Việc mà hàng nghìn, hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm gây lãng phí cho gia đình, cho xã hội.
Tuy nhiên chúng ta ở đây cũng phải nhìn nhận một thực tế không phải chỉ ở Việt Nam mà nói chung ở nhiều nước trên thế giới, thì sinh viên tốt nghiệp ra vẫn có tỷ lệ nhất định là thất nghiệp. Không phải tất cả mọi người thất nghiệp ra đều có thể tìm được việc làm đầy đủ, mà xuất phát từ nguyên nhân khách quan là có sự không gắn kết giữa cung và cầu lao động.