Dạy dỗ và giám sát trẻ nhỏ mặc dù là quyền của người làm cha mẹ song điều đó không có nghĩa là bố mẹ có thể tùy ý thích dạy ở đâu, lúc nào cũng được, muốn lúc nào là dạy lúc đó.
Những khoảng thời gian dưới đây là tối kỵ cho việc phê bình giáo dục con cái, các bậc phụ huynh hãy cùng đọc và tham khảo.
1. Buổi sáng khi vừa bước chân ra cửa
Mọi kế hoạch, tính toán trong ngày bắt đầu vào buổi sáng. Vậy nên bố mẹ cần giúp trẻ nhỏ có một tâm lý vui vẻ, thoải mái nhất để đón một ngày mới.
Hãy chào con theo cách thật tình cảm và ấm áp thay vì sáng ra đã phê bình, dạy bảo trẻ những điều nặng nề, khiến con sáng ra đã ôm cảm giác ấm ức khó chịu trong người. Việc nhắc nhở phê bình có thể tạm gác sang thời điểm khác, hợp lý hơn trong ngày, trong tuần.
Hãy tạo tâm lý vui vẻ cho trẻ vào thời điểm đầu buổi sáng thay vì khiển trách, khiến tâm lý trẻ nặng trĩu cả ngày. Ảnh minh họa.
2. Khi cả nhà đang ăn cơm
Rất nhiều bố mẹ vẫn đang mắc sai lầm trong việc giáo dục con trẻ, đó là bình thường không tranh thủ bớt thời gian chơi cùng con, chỉ đến giờ ăn mới chuyên tâm đối diện với trẻ, hỏi han, xem xét xem con có gặp vấn đề gì không.
Thậm chí không ít phụ huynh còn có kiểu đột nhiên nhớ ra con đang mắc lỗi gì, đang gặp vấn đề gì và cứ thế phê bình, răn dạy con suốt bữa ăn.
Cách này không chỉ ảnh hưởng đến tậm trạng của trẻ, khiến trẻ chán ăn mà còn phá vỡ những khoảnh khắc vui vẻ đáng có trong bữa ăn của cả gia đình, khiến cho trẻ cảm thấy việc ăn cơm cùng bố mẹ là một việc chẳng dễ chịu gì, từ đó tác động xấu đến sức khỏe, tâm lý của trẻ.
3. Khi bố mẹ đang nóng giận
Khi bố mẹ đang nóng giận, rất dễ rơi vào trạng thái vừa mở miệng đã muốn mắng người. Trong trường hợp này, nếu đem chuyện của con cái ra dạy bảo, bố mẹ sẽ dễ dàng làm tổn thương con trẻ, đồng thời phá vỡ hình tượng của bố mẹ trong mắt trẻ.
Trong lúc này, các bậc phụ huynh cần hạ hỏa, đợi bình tĩnh trở lại hãy chỉ bảo cho con cái điều hơn lẽ thiệt.
Cả giận mất khôn, những lúc nóng nảy, bố mẹ tuyệt đối không nên lôi con cái ra giáo dục. Ảnh minh họa.
4. Khi xảy ra xung đột trực tiếp
Con nói 8h sẽ về nhưng 10h mới có mặt ở nhà, trong tình huống này, nhiều bậc phụ huynh không thể kìm nén được sự giận dữ, chỉ cần mở miệng, xung đột trực tiếp giữa bố mẹ là điều có thể xảy ra.
Thay vì khiến mọi chuyện trở nên phức tạp, bố mẹ nên để cho sự việc lắng xuống, đợi đến hôm sau nghe con giải thích sẽ hiệu quả hơn. Hơn nữa, biểu hiện khoan dung, độ lượng của bố mẹ sẽ khiến trẻ tự giác ý thức được sai phạm của mình.
Việc dạy dỗ và phê bình trẻ, tốt nhất nên thực hiện trong nhà.
Bố mẹ và con cái có thể chọn một thời điểm phù hợp nhất trong tuần, cùng ngồi lại với nhau để trao đổi một cách chân thành, nhẹ nhàng.
Bố mẹ có thể mượn cơ hội này để đưa ra yêu cầu của mình với con, con cũng có thể nhân dịp này mà nêu ý kiến với bố mẹ.
Sau những cuộc nói chuyện bình đẳng như thế, nếu trẻ nhận thức được sai phạm của mình, bố mẹ có thể đốc thúc con vạch ra kế hoạch chi tiết để sửa sai.
Hầu hết trẻ nhỏ đều có lòng tự trọng rất cao, chúng sẽ nghiêm túc thực hiện kế hoạch mà tự mình đã viết ra.
Những cuộc “họp gia đình” nho nhỏ, nơi các thành viên nhẹ nhàng chia sẻ, đóng góp ý kiến sẽ tốt cho cả trẻ và bố mẹ. Ảnh minh họa.
Cổ nhân dạy con cũng phải chọn thời gian
Về thời điểm dạy dỗ, phê bình con cái, người xưa rất cầu kỳ, cẩn thận. Dưới đây là 7 thời điểm bố mẹ nên “kiêng” dạy con cái:
Thứ nhất: Không khiển trách con cái trước đám đông.
Thứ hai: Khi trẻ đã hối hận, bố mẹ ngừng trách mắng.
Thứ ba: Không phê bình trách phạt con vào ban đêm.
Thứ tư: Khi ăn cơm, không phê bình, dạy dỗ con.
Thứ năm: Những lúc vui vẻ, không nên trách phạt trẻ.
Thứ sáu: Tránh trách mắng khi trẻ đang bị tổn thương, u sầu.
Thứ bảy: Không khiển trách, nói lời phê bình khó nghe khi trẻ đang ốm.
Nếu bố mẹ có thể áp dụng phương pháp giáo dục con cái phù hợp, vào những thời điểm, địa điểm thích hợp, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận và hiệu quả của việc dạy bảo con cái lẽ tự nhiên sẽ đạt được hiệu quả mong muốn.