4 năm nữa sẽ có thêm 654km đường cao tốc Bắc – Nam

Theo đó, Nghị quyết nêu rõ chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 từ Cao Bồ (tỉnh Nam Định) đến Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đến La Sơn (tỉnh Thừa Thiên – Huế), từ Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đến Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai), cầu Mỹ Thuận 2 (tỉnh Tiền Giang và tỉnh Vĩnh Long).

Giai đoạn 2017 – 2020 dự kiến đầu tư 654km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án là 3.736 ha, trong đó đất trồng lúa là 1.037 ha; thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe trên tất cả các dự án thành phần, riêng Dự án Cam Lộ – La Sơn theo quy mô 4 làn xe theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 118.716 tỷ đồng, bao gồm: 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Trường hợp giải phóng mặt bằng rộng hơn mức quy định tại Khoản 3 điều này, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định về quy mô và sử dụng vốn từ nguồn vốn được bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia; chuẩn bị đầu tư để thực hiện Dự án từ năm 2017 và cơ bản hoàn thành năm 2021.

Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật và bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý dự án; bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) cần khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trong Báo cáo số 197/BC-UBTVQH14 ngày 23/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực tham gia đầu tư dự án; ban hành tiêu chí, nguyên tắc, phân bổ vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án hợp lý và cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công cần nghiên cứu, áp dụng phương án thu phí hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước; đối với các dự án thành phần đầu tư công theo hình thức đối tác công – tư, sau khi nhà đầu tư chuyển giao lại công trình sẽ nghiên cứu tiếp tục thu phí để hoàn trả phần vốn đầu tư của Nhà nước.

Giá sử dụng dịch vụ đường bộ của Dự án được tính theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ làm cơ sở đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đấu thầu, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh, lợi nhuận của nhà đầu tư và lợi ích Nhà nước; bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá. Trường hợp dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự kiến, Dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 cho các dự án đường sắt quan trọng và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định; khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam, bảo đảm tầm nhìn dài hạn theo hướng trên toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe, riêng đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Túy Loan (Đà Nẵng) theo quy mô 4 làn xe và một số đoạn cửa ngõ trung tâm kinh tế có lưu lượng xe lớn theo quy mô 8 làn xe. Trên cơ sở đó, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc triển khai tiếp các đoạn trên tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Với việc triển khai Nghị quyết này, hằng năm Quốc hội sẽ được nghe báo cáo vào kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và tiến độ triển khai Dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban khác của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này

Bài viết mới