38% trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu

Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), khoảng 38% trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này tăng từ mức 29% trong năm 2021 mặc dù cổ phiếu bất động sản biến động giá không thuận lợi để trở thành tài sản thế chấp). Hầu hết các tổ chức phát hành trái phiếu bất động sản năm 2022 là công ty chưa niêm yết, chiếm 71,6%.

Ảnh minh hoạ.

Báo cáo của VBMA cho biết, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 xấp xỉ 14,81% GDP. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP).

Giá trị lưu hành trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế Việt Nam tăng xấp xỉ 11,3% so với cuối năm 2021.

Trong đó, tỷ lệ chào bán ra công chúng đạt 4,15% (xấp xỉ con số 2021: 4,58%) Tổng số lượng phát hành tại thị trường trong nước đạt 454 thương vụ (tương ứng với quy mô bình quân 562 tỷ đồng/thương vụ). Tổng số đợt phát hành ra thị trường quốc tế đạt 2 thương vụ – 625 tỷ USD (tương ứng quy mô bình quân 312,5 triệu USD/thương vụ).

Cũng theo VBMA, giá trị phát hành năm 2022 đều giảm ở tất cả các ngành so với năm 2021, ngoại trừ khu vực nông nghiệp (tăng nhẹ 4,3%). Giá trị phát hành trái phiếu bất động sản thấp hơn 80,8% so với năm trước do các yếu tố vĩ mô bất lợi. Nhóm bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành trong năm 2022 với 51.979 tỷ đồng, tương đương 20,4% tổng giá trị phát hành.

Đối với khu vực ngân hàng, giá trị phát hành cũng giảm tương đối trong năm nay (giảm 42% so với năm trước). Tuy nhiên, nhóm ngân hàng đứng thứ nhất về giá trị phát hành và chiếm 54% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2022.

Giá trị phát hành trái phiếu bất động sản trong năm 2022 đạt 51.979 tỷ đồng, thấp hơn 80,8% so với năm trước. Nguồn số liệu: VBMA

Nhóm bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành trong năm 2022 với 51.979 tỷ đồng, tương đương 20,4% tổng giá trị phát hành. Biểu đồ: VBMA

Cũng theo VBMA, 30% trái phiếu doanh nghiệp do các công ty niêm yết phát hành năm 2022 (không bao gồm các ngân hàng thương mại).

78 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp lần đầu năm 2022, với tổng giá trị phát hành chiếm 20%. Hơn 50% doanh nghiệp phát hành mới thuộc lĩnh vực bất động sản và Xây dựng, thấp hơn mức 60% của năm 2021. Tương tự, xu hướng giảm về số lượng số lượng doanh nghiệp phát hành mới cũng giảm, tương đương 32% so với năm 2021.

Tỷ trọng doanh nghiệp niêm yết (bao gồm cả ngân hàng thương mại) năm 2022 tăng từ 51,7% lên 64,8% do khối ngân hàng chiếm phần lớn giá trị phát hành và hầu hết trong số họ là các công ty niêm yết. Tỷ trọng các công ty niêm yết (không bao gồm ngân hàng thương mại) giữ nguyên so với năm 2021, khoảng 30%.

69% trái phiếu phát hành có kỳ hạn gốc 1-3 năm. Lãi suất phát hành bình quân 2022 là 8,05%/năm. Kỳ hạn phát hành bình quân 2022 là 4,12 năm.

Kỳ hạn và lãi suất phát hành đều tăng vào năm 2022 so với 2021 và là một trong những nguyên nhân làm rung chuyển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều do hầu hết các đợt phát hành đều diễn ra vào thời điểm đầu năm khi chưa có nhiều thay đổi về quy định và điều kiện thị trường. Trái phiếu phát hành tập trung ở các kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, chiếm 69% tổng giá trị phát hành.

Trong đó, theo VBMA, kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản bình quân là 3,05 năm; lãi suất phát hành bình quân là 10,04%/năm. Khoảng 38% trái phiếu bất động sản phát hành năm 2022 không có bảo đảm hoặc chỉ được bảo đảm bằng cổ phiếu (tỷ lệ này tăng từ 29% vào năm 2021 mặc dù cổ phiếu bất động sản biến động giá không thuận lợi để trở thành tài sản thế chấp). Hầu hết các tổ chức phát hành trái phiếu bất động sản năm 2022 là công ty chưa niêm yết, chiếm 71,6%.

Năm 2022, tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn là 210.830 tỷ đồng (tăng 46% so với cùng kỳ 2021). Trong đó, ngành ngân hàng có tỷ trọng cao nhất với 91.799 tỷ đồng, tương đương 43,5% tổng giá trị mua lại. Đứng thứ 2 là lĩnh vực bất động sản với 35.439 tỷ đồng,

chiếm 16,8%.

Hầu hết các trái phiếu được mua lại sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024. Hoạt động mua lại dù tăng nhưng áp lực đáo hạn trái phiếu trong 2 năm tới vẫn đáng lo ngại với 650.319 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, 289.810 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 360.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào năm 2024.

Bài viết mới