39% người lao động tại doanh nghiệp FDI nghỉ làm do áp lực công việc
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), tình hình “sa thải” người lao động trên 35 diễn ra tại các doanh nghiệp FDI đang là vấn đề cần chú ý đặc biệt. Nhiều lý do và cách thức đã được doanh nghiệp FDI đưa ra để sa thải người lao động. Thậm chí, doanh nghiệp còn tạo áp lực công việc để người lao động không dễ hoàn thành, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đưa ra lý do cụ thể.
“Việc này xảy ra ở khá nhiều doanh nghiệp FDI với 3 lý do chủ yếu: Thứ nhất, một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35; Thứ hai, với chính sách lương hiện hành, người có thâm niên cao doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao và đương nhiên có mức đóng BHXH cao, điều này gây bất lợi cho doanh nghiệp; Thứ ba, một số lao động sau tuổi 35 không đáp ứng được yêu cầu công việc, trong khi nguồn lao động trẻ còn khá dồi dào” – ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ Lao động (TLĐLĐVN) phát biểu tại Hội thảo về lao động trong khu vực doanh nghiệp FDI, sáng 19/6.
Kết quả nghiên cứu của TLĐLĐVN còn cho thấy rõ những nguyên nhân chấm dứt quan hệ việc làm. Cụ thể: 39,0% áp lực công việc (tăng ca, định mức cao), 13,4% công việc nặng nhọc, nguy hiểm, 8,4% bị quấy rối tình dục, 16,4% bị chửi mắng, phân biệt đối xử, 15,1% sức khoẻ không đảm bảo, mất sức lao động, 12,6% bị thôi việc, bị đuổi (không lý do),…
Doanh nghiệp FDI cũng là nơi thường xảy ra các cuộc ngừng việc tập thể nhất, với 343/454 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Tỷ lệ này đã tăng từ 74% lên 78,4%. Các vấn đề liên quan đến tiền lương, thời gian làm việc, đối xử thô bạo trái pháp luật là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những vụ việc ngừng việc tập thể của người lao động tại doanh nghiệp FDI.
Lao động cần làm gì để thích ứng với 4.0?
Mặc dù một số ý kiến của người lao động đã được lắng nghe sau các vụ đình công, nhưng thách thức ở phía trước rất lớn và đến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Công ty Manpower, một đơn vị cung cấp dịch vụ nhân sự cho các doanh nghiệp FDI cho biết 40% nhà tuyển dụng toàn cầu gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân tài. Trong khi đó, 45% các tác vụ trong công việc có thể được thay thế bởi máy móc. Tại Việt Nam, chỉ 11% lực lượng lao động có tay nghề cao, 49% có tay nghề trung bình và 40% không có chuyên môn.
Ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc công ty Manpower khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.
“Với sự phát triển nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc nâng cao các kỹ năng là không thể tránh khỏi. Rất nhiều ngành công nghiệp mới phát triển, sử dụng các trang thiết bị mới và tất yếu người lao động phải nâng cao năng lực của mình. Việc đó sẽ đòi hỏi sự đào tạo của doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là người lao động cần phải có khả năng học học hỏi để lĩnh hội những kỹ năng mới. Có như vậy, hiệu quả đào tạo mới cao” – ông Simon Matthews, Tổng Giám đốc công ty Manpower khu vực Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông.
“Chúng ta thấy rằng tìm việc làm ở Việt Nam rất dễ. Người lao động có thể ra đường và tham gia lái xe ôm, bán trà đá. Số người lao động không chính thức có động lực đào tạo thấp. Cho nên chính sách cần hướng lao động chính thức qua các khóa đào tạo. Làm sao để họ thấy rằng, chỉ qua đào tạo, họ mới có việc làm tốt hơn. Nếu không nâng cao trình độ, sẽ không thể cạnh tranh với chính những lao động trong khu vực ASEAN” – TS. Lê Văn Hùng (Viện Kinh tế Việt Nam) phân tích.
Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, chính sách thu hút FDI sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Chính sách này nhằm giải quyết vấn đề đặt ra đối với người lao động, đồng thời chọn lựa được những nhà đầu tư có chất lượng cao hơn.
Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc. Phần quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp phải đầu tư và mỗi người lao động phải tự nâng cao trình độ của mình để không bị bỏ lại phía sau.