“Đừng bỏ cuộc” có lẽ là lời khuyên bạn thường nghe nhiều nhất mỗi khi phải đối mặt với khó khăn. Mọi người thường cho rằng bỏ cuộc là một lựa chọn bởi chúng ta đã nghe quá nhiều sự tích về việc những người thành công đã cố gắng, nỗ lực ra sao để vượt qua mọi khó khăn để đạt được mục tiêu.
Sự thật là những người thành công khác chúng ta ở chỗ họ biết khi nào cần dừng lại và cho bản thân cơ hội khác. Trong hành trình của cuộc đời, đôi khi bạn cần phải là một người lính chiến đấu với thử thách, nhưng cũng có những thời điểm tất cả những gì bạn cần làm là chấp nhận khép lại một cánh cửa và mở ra một cơ hội mới.
Năm 1997, trên cương vị là giám đốc điều hành của Apple khi Apple phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tới từ Microsoft, Steve Jobs đã tiến hành nhiều thay đổi để dẫn dắt Apple vượt qua cơn khủng hoảng và đạt được nhiều thành công to lớn. Trong đó, rất nhiều cải cách liên quan tới việc cắt bỏ hoàn toàn những cách làm cũ nhằm gia tăng lợi nhuận cho công ty.
Thông thường chúng ta thường cảm thấy mình bị “tổn thương” hay “thất bại” khi loại bỏ bất điều gì mà bạn đã từng hoặc đang bỏ công sức làm ra khỏi cuộc sống hay công việc của mình. Nhưng từ bỏ không có nghĩa là thiếu kiên trì. Có những lúc bạn cần phải loại bỏ những điều không còn phù hợp với hiện tại để dành chỗ cho những điều mới tốt đẹp hơn.
Dưới đây là 3 thứ những người thành công sẽ không phí sức làm:
1. Những thứ đã từng hiệu quả trong quá khứ nhưng không còn phù hợp với hiện tại
Chúng ta đang sống trong thời đại mọi thứ thay đổi chóng mặt, những điều mang lại thành công cho bạn ở ngày hôm qua có thể sẽ “giết chết” bạn vào ngày mai. Cho dù bạn đang điều hành doanh nghiệp hay chỉ đang quản lý cuộc sống của mình, hãy liên tục cập nhật những kiến thức mới, những điều đang xảy ra trên thế giới. Việc có khả năng dự đoán những thay đổi trong tương lai sẽ giúp bạn chủ động đưa ra những điều chỉnh phù hợp với thời thế và dĩ nhiên với một chi phí “hợp lý” hơn.
Bạn nên thường xuyên đánh giá cuộc sống và việc kinh doanh để triệt tiêu những thứ không còn phù hợp với mình.
2. Những thứ không xứng đáng với nỗ lực mà bạn bỏ ra
Trước khi bắt tay vào bất cứ mục tiêu nào, bạn nên phân tích chi phí – lợi ích cùng khoảng thời gian bạn cần hi sinh để thực hiện nó. Việc này sẽ giúp bạn nhìn rõ bạn cần bỏ ra bao nhiêu nỗ lực và thành quả bạn có khả năng nhận lại sẽ là gì. Nếu bạn không nhận thấy lợi ích của khoản đầu tư trong khoảng thời gian dự kiến, bạn nên cân nhắc việc loại bỏ mục tiêu này.
Từ bỏ không có nghĩa là bạn thất bại, nó chỉ đơn giản là việc bạn đang cho bản thân mình cơ hội để đạt được những thành công khác trong tương lai. Hãy tối ưu lịch trình và loại bỏ những thứ tiêu tốn thời gian và năng lượng của bạn.
Công ty truyền thông Slack, Mỹ là một ví dụ điển hình cho việc này. Trước khi trở thành một công ty mạnh như hiện tại, Slack chỉ là một công ty trò chơi nhỏ. Giám đốc công ty nhận được 17 triệu đô để đầu tư phát triển mảng giải trí điện tử nhưng kết quả không như mong đợi. Lúc này, giám đốc công ty đối mặt với sự lựa chọn khó khăn: Kiên trì với mục tiêu ban đầu và phải trả món nợ hàng triệu USD hoặc thử sức với một ý tưởng mới. Nếu Slack của ngày hôm qua không thay đổi hướng đi sẽ không bao giờ đạt được thành công như hiện tại.
3. Hợp tác với những người không cùng quan điểm và chung tầm nhìn
Những người mà bạn kết giao có hưởng không nhỏ tới con người bạn. Nếu họ không có chung tầm nhìn với bạn thì hoặc bạn sẽ cảm thấy mâu thuẫn với họ hoặc bạn sẽ đánh mất mục tiêu của mình. Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Bạn là trung bình cộng của 5 người mà bạn dành thời gian nhiều nhất để giao lưu” vì vậy hãy cẩn trọng với việc lựa chọn đâu là người mà bạn muốn chia sẻ thời gian của mình.
Khi bạn dành thời gian với những người cùng chung tư tưởng, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn. Người đồng hành hiểu đâu là mục tiêu của bạn và bạn có thể tận dụng những hiểu biết có sẵn của họ để tiến tới thành công. Họ sẽ động viên và cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về con đường bạn cần đi.