Bỏ Đại học năm 18 tuổi, về quê nuôi lợn
Sinh năm 1995, năm nay đáng lẽ ra đã tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Việt – Hung (Sơn Tây, Hà Nội) và có một công việc ổn định. Nhưng kịch bản đó không hề giống với những gì chàng thanh niên Nguyễn Văn Tùng (thôn Đồng Rằng, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội) hoạch định cho tương lai của mình. Bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của cậu chính là giây phút quyết định bỏ học về nhà… nuôi lợn rừng.
Cách đây 5 năm, Tùng bỏ trường về nhà bắt đầu hành trình mới với tư cách “một người nông dân”. Đến bây giờ nhìn lại, cậu chưa bao giờ hối hận về con đường mình đã chọn. Bởi như cách cậu giãi bày, nếu việc học dở dang không giúp ích được gì nhiều cho tương lai thì không nên học nữa.
Trang trại nuôi lợn rừng rộng 2.000 m2 của Tùng.
Những chú lợn rừng được thả chạy lông rông hàng ngày.
Nguyễn Văn Tùng – chàng sinh viên bỏ trường về nhà làm giàu.
“Ban đầu định hướng của mình không nghĩ là sẽ học Đại học. Đi học thì ai cũng mong muốn có một công việc ổn định nhưng mình từ trước đã muốn làm một người nông dân. Mình đã xác định thì sẽ theo đến cùng!”, Tùng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Ngát (SN 1975, mẹ Tùng) nói: “Tùng thấy cô nhiều việc vất vả nên về chăn lợn giúp cô. Cô không cấm đoán gì cả, Tùng bảo học về cũng không biết nghề nghiệp như nào nên tùy con thôi”.
Cô Nguyễn Thị Ngát (mẹ Tùng) đang hái lá cho lợn ăn.
Cả đàn lợn thấy thức ăn đều lon ton chạy tới.
Cô Ngát tranh thủ nấu cám cho đàn lợn.
Mô hình trang trại nuôi lợn rừng của Tùng xuất phát điểm chỉ có 5 chú lợn con. Giữa bãi đất diện tích gần 2.000m2, gia đình cậu đã gây giống và cho giao phối một số cá thể lợn rừng thuần chủng khác, đến nay đàn lợn cũng đã hơn 100 con. Bản thân gia đình Tùng cũng đã có 10 năm “bám” vào sườn đồi này để lập nghiệp, ngoài lợn rừng còn có cả ngan, gà…
Hàng năm lợn rừng chủ yếu được thu mua dịp gần Tết nguyên đán gần 1 – 2 tấn, giá trung bình 120.000 đồng/kg. Tính ra thu nhập ổn định cũng khoảng 250 triệu mỗi năm. “Thời điểm này mình đã bán bớt lợn rừng rồi, trong trại chỉ còn tầm 60 – 70 con phục vụ dịp lễ sắp tới. Nói đây là trang trại cũng không đúng, chỉ mới là “gia trại” thôi nhưng mình không muốn làm nhỏ lẻ. Mình có ý định mở rộng thành trang trại lớn, tiếp cận nhiều thị trường hơn”, vừa hái lá cây cho lợn ăn Tùng vừa chia sẻ dự định ấp ủ bấy lâu.
Huấn luyện lợn rừng nhờ tiếng còi xe
Vì là lợn rừng nên đàn lợn nhà Tùng rất “bám” tự nhiên và khá hung dữ. Cho nên sẽ chẳng cần cái cũi hay chuồng nào để nhốt lợn, cơ bản chúng sẽ được thả chạy “lon ton” mỗi ngày trên sườn đồi. Riêng chỉ có “căn nhà” nhỏ ở góc sân để phòng trừ trời mưa lạnh cả lũ lợn lại kéo nhau vào ngủ.
“Đây là giống lợn rừng bán hoang dã nên không như các trang trại khác, mình tập cho chúng sống bầy đàn, tập thể từ bé. Đến bây giờ lớn lên vẫn là bầy đàn nên chúng có bản năng. Mình huấn luyện chúng một cách đặc biệt, chính là bằng tiếng còi xe”, Tùng hào hứng tâm sự.
Tùng tập hợp cả đàn lợn bằng tiếng còi xe rất đơn giản.
Chú lợn rừng hì hục ủi đất kiếm ăn.
Những con lợn hiếu chiến hàng ngày ủi đất kiếm ăn và chạy nhảy nên nhanh nhẹn hoạt bát. Khi có còi hú cùng tiếng gọi của chủ là chúng lao tới. “Sự tích” tiếng còi xe của Tùng thật sự hài hước khi cậu chia sẻ, những lần đi xe về lại bấm còi trêu đùa đàn lợn rồi cho chúng ăn. Không ngờ đàn lợn những lần sau cứ nghe thấy tiếng còi xe thì đồng nhất chạy tới, nhờ thế cậu cùng “thảnh thơi” hơn không mất công “chạy lùa” cả đàn như những trang trại gia súc khác.
Để chứng minh về việc loài lợn rừng rất đoàn kết và không hề nhút nhát, Tùng bèn chạy theo bắt lấy một chú lợn con. Nghe tiếng đồng loại la hét kêu cứu, những con lợn ở từng ngóc ngách khắp sườn đồi vội chạy lao tới, “bao vây” Tùng nhất loạt đòi cứu “người anh em”. Bởi tập tính đoàn kết, bảo vệ nhau rất mạnh của đàn lợn nên dù trang trại ở gần đường nhựa nhưng Tùng không hề sợ tình trạng trộm cắp.
Tùng thử bắt một chú lớn…
… là cả đàn chạy tới giải cứu “người anh em”.
Mỗi ngày Tùng vẫn dành 3 tiếng chăm sóc cho đàn lợn, ngoài ra cậu còn nhận xay xát gạo, nghiền cám cho khách. “Mình là người nông dân nên có thể một ngày phải làm rất nhiều việc. Nhưng không sao, mình yêu cuộc sống này!”, Tùng cười hề hề trả lời chúng tôi.
“Đây mới chỉ là điểm khởi đầu thôi, dù so với bạn bè khác có thể thu nhập này là ít hơn nhưng con đường đã chọn thì mình vẫn sẽ gắn bó. Cơ bản là mình cứ làm việc gì mình cảm thấy thoải mái nhất thôi”.