2017 – Năm đại thắng của kinh tế toàn cầu

Các thị trường chứng khoán (TTCK) bùng nổ

Theo Reuters, TTCK toàn cầu đã tăng nhanh trong năm 2017, khi chỉ số MSCI All Country World Index tăng 22%, thêm gần 9.000 tỷ USD vốn hóa. Thị trường được “tiếp thêm nhiên liệu” bởi sự bùng nổ tăng trưởng ở các quốc gia phát triển và kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp của tổng thống Donald Trump. Trung Quốc cũng thành công trong việc duy trì tỉ lệ tăng trưởng, xua tan nỗi sợ về một cuộc giảm tốc sau nhiều thập niên tăng trưởng “nóng”. Trong khi đó, khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) cũng có sự hồi phục sau nhiều năm bất ổn. Ở Anh, chỉ số FTSE 100 đã tăng vọt nhờ tăng trưởng toàn cầu mạnh hơn và đồng bảng Anh yếu đi kể từ sau sự kiện Brexit.

Giao thương toàn cầu nhộn nhịp

Chỉ số Baltic Dry được sử dụng như là thước đo sự tăng trưởng toàn cầu vì nó đo mức cước phí đối với các loại hàng hóa khô như than đá, gạo và lúa mì. Khi nhu cầu tăng nghĩa là nền kinh tế thế giới có sự tăng trưởng. Năm nay, chỉ số này đã tăng lên các mức cao nhất trong vòng 4 năm qua giữa lúc có sự hồi phục trong giao thương toàn cầu. Những hàn thử biểu khác dành cho tăng trưởng, như chỉ số PMI khảo sát hoạt động kinh doanh từ các giám đốc mua hàng của các công ty, đã cho thấy một nhu cầu lớn về hàng hóa và dịch vụ ở khắp các nền kinh tế phát triển trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ và châu Âu ngày càng tăng khiến cho nỗi sợ về một sự đổ vỡ trong giao thương vẫn còn lơ lửng.

Nhà đầu tư cảm thấy thoải mái

Được xem như là thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, Chicago Board Options Exchange Volatility Index là một thước đo kỳ vọng của TTCK, chẳng hạn như giá cả có thể dao động, tăng giảm bao nhiêu trong quãng thời gian 30 ngày. Chỉ số này càng cao thì càng nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ tham gia một cách “cuồng loạn”. Trong năm nay, hàn thử biểu này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, dưới mức 9 điểm. Bất kỳ mức nào trên 20 nghĩa là mọi chuyện đang diễn ra không như mong đợi, và là một đặc điểm thông thường của các thị trường đang giảm giá.

Đồng bảng Anh trở lại sau Brexit

Đồng bảng Anh đã hồi phục trong các giao dịch toàn cầu kể từ đầu năm 2017 trong bối cảnh có những tiến triển dần dần tại các cuộc đàm phán liên quan đến Brexit. Dù vẫn còn thấp hơn khoảng 10% so với trước thời điểm trưng cầu dân ý, nhưng đồng tiền này đã tăng gần 10% trong năm 2017 để đạt mức khoảng 1,3505 USD. Trong khi đó, đồng USD đã “chật vật” để được hưởng lợi trong năm 2017 từ các đợt tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), còn đồng euro đã trở nên mạnh hơn khi kinh tế của khối eurozone được cải thiện và ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) được kỳ vọng sẽ bắt đầu siết chặt chính sách tiền tệ bằng cách hạn chế chương trình nới lỏng định lượng của mình.

Eurozone đang hồi phục

Một trong những ngạc nhiên lớn nhất trong năm 2017 là sự ổn định ở khối eurozone sau nhiều năm hỗn loạn. Sau khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ, nhiều nhà quan sát thị trường cho rằng những quốc gia tiếp theo sẽ không chống nổi làn sóng chính trị mang màu sắc chủ nghĩa dân túy sẽ là ở Liên minh châu Âu (EU), điều mà có thể dẫn đến sự chấm dứt của đồng euro. Tuy nhiên, Marine Le Pen đã thất bại trong cuộc đua giành quyền lực ở Pháp, Geert Wilders thất bại ở Hà Lan, và đảng Alternative für Deutschland thất bại ở Đức. Kết quả là, giữa một bối cảnh chính trị ổn định hơn, tăng trưởng của eurozone đã được cải thiện nhanh chóng.

Tăng trưởng lương vẫn không sáng sủa

Đã có tăng trưởng nhẹ trong giá hàng hóa trên khắp thế giới, ngoại trừ nước Anh, nơi mà sự mất giá đột ngột của đồng bảng sau sự kiện Brexit đã dẫn đến một sự tăng vọt trong chi phí nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu. Tăng trưởng lương nói riêng vẫn chưa được nhìn thấy trong năm 2017, dù tỉ lệ thất nghiệp thấp trên khắp hầu hết các quốc gia phát triển. Điều này khiến cho nhiều người trong ngành kinh tế bối rối vì thị trường lao động đạt trạng thái khả dụng thường dẫn tới sự mặc cả lớn hơn giữa các công nhân để đòi hỏi lương cao hơn. Nó cũng tạo ra thêm một thách thức nữa đối với những người đứng đầu các ngân hàng trung ương – vốn là những người muốn thấy lạm phát lương mạnh hơn trước khi tăng lãi suất, để bình thường hóa nền kinh tế thế giới sau nhiều năm dùng gói kích thích sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu cách đây 10 năm.

Câu đố năng suất vẫn chưa có lời giải

Thất bại trong việc thúc đẩy năng suất công nhân đã làm bối rối các chuyên gia kinh tế trên khắp thế giới trong năm 2017, mà đáng chú ý là ở Anh. Dù vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Anh, nhưng mỗi quốc gia trong nhóm G7 đều đã trải qua tăng trưởng ì ạch kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đó là một dấu hiệu gây lo lắng cho tăng trưởng lương, vì sản lượng mỗi giờ làm việc lớn hơn có thể giúp hỗ trợ lương cao hơn cho sản lượng đó. “Thủ phạm” có thể là tỉ lệ việc làm cao hơn, lãi suất thấp hơn, hay tỉ lệ đầu tư thấp hơn trong các dự án thúc đẩy năng suất của chính phủ và doanh nghiệp.

Giá dầu hồi phục

Giá dầu toàn cầu đã hồi phục mạnh trong năm 2017, do được hưởng lợi từ nhu cầu đang tăng lên ở các nhà máy trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Quốc, giữa bối cảnh các hoạt động kinh tế bùng nổ. Sau khi lao dốc vào cuối năm 2015 khiến các thị trường toàn cầu hoảng sợ, năm 2017 là năm giá dầu có được sự bình yên và tăng trưởng vững chắc. OPEC đã hạn chế sản xuất để kiểm soát nguồn cung, trong khi không có sự leo thang căng thẳng lớn nào để đẩy giá dầu lên các mức không bền vững. Tuy nhiên, vẫn có một cảnh báo: dầu đá phiến của Mỹ có thể trở lại, vì với mức giá hiện tại thì các nhà sản xuất sẽ có lời. Điều này có thể thúc đẩy nguồn cung, khiến giá lại giảm.

Cơn cuồng bitcoin

Có lẽ đây là câu chuyện tài chính gây chú ý nhất trong năm 2017. Dù có nỗi sợ rằng giá bitcoin sẽ lao dốc, nhưng 2017 sẽ được ghi nhận là năm của đồng tiền số này. Bitcoin đã liên tục tăng lên các mức kỉ lục, khi đầu năm chỉ khoảng 1.000 USD/đồng, nhưng cuối năm lại đạt gần 20.000 USD. Đã có những lúc đồng tiền này dao động dữ dội, khi mất hơn 1/4 giá trị chỉ trong một ngày, nhưng sau đó hồi phục. Các chuyên gia kinh tế cho rằng bitcoin hiện có đầy đủ những dấu hiệu của một bong bóng, khi khá tương đồng với cơn cuồng hoa tulip hồi thế kỉ 17.

Những nỗi lo về “núi” nợ của Trung Quốc

Đống nợ của Trung Quốc ngày càng tăng nhanh, khi phình lên gấp 4 lần kể từ cuộc khủng hoảng tài chính đến nay và trở thành mối lo ngại của năm 2017 dù chưa làm xáo trộn các thị trường toàn cầu. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng nợ của Trung Quốc hiện ở mức cao so với các chuẩn quốc tế và tăng trưởng nhanh chóng có thể đã dẫn tới tình trạng cơ quan chức năng nước này không sẵn lòng để cho các công ty gặp khó khăn phá sản. Hồi tháng 9, Standard & Poor’s đã hạ bậc tín dụng của quốc gia này vì những rủi ro từ “núi” nợ của họ. Dù đến nay Trung Quốc đã bắt đầu có những bước đi để “ghìm cương” món nợ này mà không gây ảnh hưởng tới tăng trưởng, nhưng các chuyên gia kinh tế hiện lo ngại một bước đi sai lầm của cơ quan quản lý có thể làm đảo lộn tình trạng hiện tại trong tương lai gần.

10 vụ tai tiếng lớn nhất trong giới kinh doanh năm 2017

Bài viết mới